10/05/2024 19:01 GMT+7

Mỏi mòn chờ lãnh thuốc bảo hiểm y tế: Phân luồng cho tuyến dưới để bệnh nhân đỡ vất vả

Nhiều gợi ý thiết thực của bạn đọc quanh chuyện bệnh nhân mỏi mòn chờ lãnh thuốc bảo hiểm y tế, như phân luồng cho tuyến dưới, nhận thuốc ở các nhà thuốc...

Hàng trăm người bệnh mỏi mòn chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế, trong đó có không ít người bệnh mãn tính - Ảnh: NGỌC NHI

Hàng trăm người bệnh mỏi mòn chờ đợi lãnh thuốc bảo hiểm y tế, trong đó có không ít người bệnh mãn tính - Ảnh: NGỌC NHI

Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Tình trạng lãnh thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các bệnh nhân mãn tính.

Khu vực lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TP.HCM) lúc nào cũng gặp những bệnh nhân mãn tính mong chờ đến lượt mình, từ sáng đến tận chiều muộn.

Sớm nâng thời gian kê đơn thuốc tối thiểu 2 tháng

Đó là mong mỏi chung của hầu hết các bệnh nhân mãn tính hằng tháng đến tái khám, nhận thuốc BHYT tại các bệnh viện.

Là người tái khám nhiều lần không có thuốc, bạn đọc tài khoản Tvd đề nghị: "Vấn đề này cần phải được giải quyết chứ không thể kéo dài".

Được biết, trước những bất cập mà người bệnh phản ánh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mãn tính đã ổn định (đái tháo đường, tăng huyết áp...) lên tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay.

Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn chưa được thông qua và áp dụng.

Bạn đọc Dân Vũ cho biết đang khám bệnh BHYT tại bệnh viện ở TP.HCM định kỳ 21 ngày/lần. Muốn kéo dài thời gian khám bệnh để đỡ tốn công đi lại cũng không thể. "Bác sĩ nói việc này do bên cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu để họ khớp báo cáo sổ sách gì đó. Thiết nghĩ, nên linh hoạt thời gian khám, phát thuốc BHYT cho bệnh nhân mãn tính. Nguyên tắc quá, không chỉ bệnh nhân mà nhân viên y tế đều vất vả", bạn đọc này nêu ý kiến.

Cho rằng trong tình hình hiện nay, việc tăng thời gian khám, kê đơn cho người bệnh mãn tính là cần thiết, bạn đọc hdng****@gmail.com bổ sung: "Tôi nhà ở TP.HCM, mỗi tháng đi khám một lần mà còn ngán huống chi bà con ở xa, đề xuất phát thuốc 2 tháng là hợp tình hợp lý".

Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Sáu Thời Sự chia sẻ: "Ở Mỹ, người bệnh có BHYT chỉ cần khám bệnh và xét nghiệm 1 năm 1 lần, căn cứ kết quả xét nghiệm nếu mắc bệnh mãn tính thì bác sĩ sẽ liên hệ nhà thuốc cấp phát thuốc hằng tháng cho bệnh nhân trong thời gian 1 năm và người bệnh chỉ cần đến nhà thuốc gần nhà nhất để lấy thuốc. Sau 1 năm người bệnh phải đi tái khám và xét nghiệm lại".

Theo bạn đọc này, Việt Nam nên áp dụng mô hình trên.

Sao không phân luồng để giảm tải?

Ngoài việc đề nghị sớm nâng thời gian khám, phát thuốc BHYT, một số ý kiến còn gợi ý nên phân luồng để chia sẻ cho các bệnh viện tuyến dưới.

Ủng hộ phương án này, bạn đọc Tư Sài Gòn viết: "Thiết nghĩ nên phân luồng. Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu ngành, chỉ nên tập trung chữa trị bệnh nặng cần nằm lại bệnh viện. Các bệnh nhẹ, mãn tính không cần nằm lại bệnh viện thì phân bổ về bệnh viện tuyến dưới".

Theo bạn đọc Tư Sài Gòn, việc quá tải ở Bệnh viện Chợ Rẫy như phản ánh cũng một phần do tập trung quá nhiều bệnh nhân ở bệnh viện lớn. "Nhiều lần đến Bệnh viện Chợ Rẫy, gặp những bệnh nhân chỉ là bệnh thông thường, bệnh nhẹ cũng đến khám", bạn đọc này viết.

Cùng quan điểm, bạn đọc Minh Toan bổ sung: "Những bệnh mãn tính ổn định như tiểu đường, huyết áp ở mức độ nhẹ, bác sĩ chỉ định cho lấy thuốc uống thì nên chuyển về phường và quận đi. Sáu tháng hãy lên tuyến trên khám tổng quát lại, sẽ giảm áp lực tuyến trên".

Linh động hơn, bạn đọc Phương mong muốn: "Tiện nhất là bệnh viện giao thuốc về trung tâm y tế gần nhất, rồi cho người bệnh ra nhận, khoảng 6 - 12 tháng tái khám 1 lần".

Góp thêm ý kiến, bạn đọc Thong Gia viết: "Đề nghị bổ sung thêm là bệnh nhân trên 80 tuổi mắc bệnh mãn tính có thể nhờ người nhà lãnh thuốc giúp, trừ trường hợp cần tái khám, kiểm tra lại bệnh tình...".

Người bệnh ủng hộ đề xuất lấy thuốc 2 tháng/lầnNgười bệnh ủng hộ đề xuất lấy thuốc 2 tháng/lần

Nhiều bạn đọc và người bệnh ủng hộ đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp) từ 30 ngày lên 60 ngày/lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên