Một huyện miền núi của Khánh Hòa chiếm gần 70% ca mắc sốt rét của cả nước

10/05/2024 15:59 GMT+7

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có tổng cộng 96 ca mắc sốt rét, chiếm gần 70% ca mắc trong cả nước.

Ngày 10.5, trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa), cho biết từ đầu năm đến nay trên địa bàn H.Khánh Vĩnh có tới 96 trường hợp bị mắc sốt rét, tập trung chủ yếu tại xã Khánh Thượng (35 ca), xã Khánh Phú (24 ca) và xã Khánh Đông (21 ca).

Theo bác sĩ Toàn, số trường hợp mắc sốt rét nói trên tại H.Khánh Vĩnh chiếm đến gần 70% của cả nước (cả nước ghi nhận 141 trường hợp mắc sốt rét từ đầu năm đến nay). Đây là một tỷ lệ rất cao.

Một huyện miền núi của Khánh Hòa chiếm gần 70% ca mắc sốt rét của cả nước- Ảnh 1.

Một góc H.Khánh Vĩnh

V.T

Trước tình hình số ca mắc tăng, ngành y tế cùng với chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện phun hóa chất tồn lưu tại các thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông; thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng; các khu nhà rẫy và khu dân cư thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú và chiến dịch tẩm màn phòng chống véc tơ sốt rét đợt 1 năm 2024 trên địa bàn toàn H.Khánh Vĩnh.

Ngành y tế Khánh Hòa cũng đã điều tra dịch tễ, làm xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét để chủ động phát hiện ca bệnh tại các ổ bệnh, các khu vực dịch tễ liên quan đến bệnh nhân sốt rét tại thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông.

Ngoài ra, chỉ đạo 14 trạm y tế xã, thị trấn thuộc H.Khánh Vĩnh rà soát, lập danh sách, quản lý những người từng đi rừng, rẫy về làm xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh; tổ chức cấp phát màn, võng màn cho các hộ dân còn thiếu để đảm bảo phòng bệnh. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, hiện nay mầm bệnh sốt rét vẫn còn ở trong rừng, trong khi đó cuộc sống của người dân lại gắn liền với rừng rẫy, do đó rất khó khăn trong việc cắt được nguồn lây.

Bên cạnh đó, dù đã thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức, tuy nhiên ý thức của người dân còn rất chủ quan trong việc phòng chống sốt rét, nhất là việc khai báo với y tế địa phương sau khi đi từ rừng rẫy về để phát hiện điều trị bệnh sớm, hạn chế lây lan trong cộng đồng.

"Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên ngủ mùng có tẩm hóa chất diệt muỗi, nằm mùng ngay cả ban ngày; buổi tối mặc quần áo dài tay để đề phòng muỗi đốt, cần sử dụng nhang, kem xua muỗi. Mỗi gia đình cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, phát quang, khơi thông cống rãnh. Khi thấy có triệu chứng của bệnh, như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", bác sĩ Toàn khuyến cáo.

Năm 2023, bệnh nhân mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng đột biến với 209 ca, tăng gần gấp 17 lần so với năm 2022. Trong đó, H.Khánh Vĩnh chiếm tới 197 ca.

Với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Quy Nhơn, CDC và Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin” (RAI3E), hiện ngành y tế H.Khánh Vĩnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tiếp tục duy trì 2 tổ phòng, chống dịch; quản lý, điều trị theo dõi, giám sát ổ bệnh; đẩy mạnh truyền thông và phát hàng ngàn tờ rơi cho người dân; phun hóa chất tồn lưu cho các hộ dân, nhà rẫy ở các thôn có nguy cơ cao tại xã Khánh Đông, Khánh Thượng, Khánh Phú. Địa phương cũng bàn giao 2.570 chiếc màn, 2.120 võng bọc màn có tẩm hóa chất tồn lưu do Dự án RAI3E hỗ trợ cho các xã có nguy cơ cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.