Bé trai khó thở, tím tái do hóc cuống trái xoài

Lê Cầm
Lê Cầm
28/04/2024 13:25 GMT+7

Bé trai (8 tháng tuổi) đang ăn cơm tại nhà và được mẹ cho trái xoài cầm chơi. Bé đưa lên miệng ngậm rồi đột ngột ho sặc sụa liên tục, quấy khóc.

Mẹ bé ẵm vác lên vai, vỗ lưng dỗ bé nín dần. Sau khi thấy con hết ho và quấy khóc, mẹ theo dõi bé tại nhà. Đến sáng hôm sau, cháu bé khó thở, có cơn tím tái và được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến dưới. Tại đây, bé được đặt nội khí quản và chuyển đến bệnh viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM). Bé được nội soi phế quản lấy dị vật hai lần nhưng do dị vật nằm sâu trong phế quản thùy dưới bên phải nên việc tiếp cận và lấy dị vật gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện này đã hội chẩn cùng Bệnh viện Nhi đồng 2.

Sau khi hội chẩn, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cử ê kíp nội soi gồm các bác sĩ Hô hấp, Tai mũi họng cùng hệ thống nội soi phế quản bằng ống soi mềm và các thiết bị cần thiết để hỗ trợ. Với sự phối hợp, các y bác sĩ đã lấy thành công dị vật là phần cuống của trái xoài. Hiện tại tình trạng của bé tạm ổn, vẫn đang được điều trị và theo dõi thêm.

Ngày 28.4, bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, thành viên ê kíp hỗ trợ vừa qua cho biết, dị vật đường thở là một tại nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, bởi đây là lứa tuổi thích khám phá và thường đưa các đồ vật vào miệng, hoặc có thể gặp ở trẻ lớn do bất cẩn trong quá trình sinh hoạt.

Hằng năm bệnh viện vẫn tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi nhập viện do dị vật đường thở. Hầu hết các bé nhập viện trong tình huống cấp cứu, một số trường hợp có thể diễn tiến nặng, đặc biệt có nguy cơ đe dọa đến tính mạng hoặc gây ra những ảnh hưởng nặng nề về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Cuống trái xoài được gắp ra thành công

Cuống trái xoài được gắp ra thành công

BSCC

Từ các sự cố trên, bác sĩ Thảo khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ nên hạn chế cho các bé sử dụng các vật thể kích thước nhỏ. Đối với trẻ lớn, gia đình và nhà trường thường xuyên giáo dục và nhắc nhở các em hạn chế chơi đùa với những dụng cụ học tập và đồ vật nhỏ, không nên cho vào miệng nhằm tránh nguy cơ hít sặc. Khi trẻ có biểu hiện hóc dị vật, sau khi thực hiện các bước sơ cứu tại nhà, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử trí kịp thời.

Nhiều trường hợp hóc dị vật là dụng cụ học tập

Bác sĩ Thảo cho biết, trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cứu chữa thành công hai trường hợp trẻ ở tuổi tiểu học bị dị vật đường thở do hít phải các mảnh rời là các dụng cụ học tập.

Trường hợp đầu tiên là bé gái N.Đ, 7 tuổi, ngụ Bình Dương. Mẹ bé cho biết trong lúc chơi với anh chị tại nhà, bé Đ. cắn phần đầu tẩy xóa trên cây bút mực và vô tình nuốt vào. Sau nuốt, Đ. bị sặc, ho nhiều, không ói, kèm đau bụng. Người nhà theo dõi thấy em khó thở tăng dần, sưng vùng cổ mặt và đưa đến bệnh viện tỉnh kiểm tra, xử trí ban đầu. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và được chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất. Bé Đ. được nội soi phế quản lấy dị vật và đặt ống dẫn lưu khí. Gần một tuần điều trị, bác sĩ nhận thấy bé Đ. ổn định và cho xuất viện.

Trường hợp khác là bé trai 7 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận. Trong giờ ra chơi ở trường, bé cùng bạn đùa nhau cắn vào đầu bút bi để lấy phần đầu bấm. Vì bị hít sặc, bé bắt đầu khàn tiếng, khó thở và được nhà trường đưa đến cơ sở y tế gần nhất, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Nhập viện, bệnh nhi được y bác sĩ khẩn trương nội soi khẩn. Do thanh môn bị tổn thương phù nề nhiều nên việc tiếp cận và đưa dị vật ra gặp rất nhiều khó khăn. Bé đã được các bác sĩ lấy ra dị vật, giúp cháu bé vượt qua được nguy kịch. Hiện tại tình trạng bé đã ổn định và được tiếp tục theo dõi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.