Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan hôm 24/4 phát biểu trước các phóng viên rằng, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cung cấp cho Kiev một lượng “đáng kể” tên lửa ATACMS để sử dụng chống lại quân Nga trong lãnh thổ Ukraine. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Thiếu tá Charlie Dietz sau đó tiết lộ, loại tên lửa có tầm bắn tới 300km này “đã được bí mật gửi tới Ukraine để duy trì hoạt động an ninh”.

he thong ten lua atacms.jpg
Hệ thống tên lửa ATACMS. Ảnh: RT

Trong một bài viết đăng tải trên kênh Telegram hôm nay (25/4), Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov gọi việc chuyển giao tên lửa tầm xa ATACMS cho Kiev là “không thể biện minh được”. Ông Antonov cáo buộc động thái này của Mỹ "làm tăng mối đe dọa đối với an ninh của bán đảo Crưm, bao gồm cả thành phố Sevastopol, các vùng mới sáp nhập vào Nga (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) cũng như các thành phố khác của Nga”.

Theo đài RT, ông Antonov tỏ ra hoài nghi sự đảm bảo của các quan chức Mỹ về việc tên lửa tầm xa sẽ không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Nhà ngoại giao này nêu dẫn chứng các lực lượng Moscow từng bắn hạ các tên lửa ATACMS tầm trung Ukraine nhận được hồi tháng 9 năm ngoái. Ông tin điều tương tự có thể xảy ra đối với phiên bản ATACMS tầm xa.

Tuy nhiên, đại sứ Nga quả quyết không tên lửa hay vũ khí nào có thể giúp đánh bại Moscow. “Các chính trị gia ở Mỹ không sợ chết đuối trong vũng lầy xung đột sao? Washington sẽ không thể thoát ra khỏi đầm lầy khủng khiếp đã thấm máu của các binh sĩ”, ông Antonov cảnh báo.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng lên án việc Washington thừa nhận chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Kiev trong bối cảnh Ukraine và các đồng minh phương Tây đang nỗ lực “lôi kéo” cộng đồng quốc tế tham gia hội nghị nhằm chấm dứt xung đột giữa hai nước láng giềng mà không có sự tham dự của Nga.

Cả Mỹ và Ukraine hiện đều chưa lên tiếng phản hồi trước các phát biểu trên của giới chức Nga.