dan-ph225o-1.jpg
Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, hai quan chức trên đề nghị giấu tên nói, gói viện trợ sẽ gồm đạn phòng không Stinger, đạn bổ sung cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, đạn pháo 155mm, đạn chống tăng TOW và Javelin cũng như các loại vũ khí khác có thể đưa vào sử dụng ngay trên chiến trường. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Quốc hội thông qua gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine song sáng kiến này bị đình trệ do các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện từ chối thúc đẩy cuộc bỏ phiếu về vấn đề này suốt nhiều tháng. 

Tới ngày 20/4, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine và hôm qua (23/4) Thượng viện đã nhóm họp, xóa bỏ những rào cản thủ tục cuối cùng và dự kiến sẽ bỏ phiếu lần cuối về dự luật này vào tối nay (24/4). Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Joe Biden.

Một khi dự luật Ukraine được ký duyệt, quỹ bổ sung dự trữ sẽ tăng trở lại, làm giảm bớt lo ngại của Lầu Năm Góc rằng việc sử dụng Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) để hỗ trợ Ukraine sẽ làm tổn hại đến sự chuẩn bị của quân đội Mỹ. Hàng chục tỷ USD trong dự luật sẽ được dành để mua vũ khí thay thế rồi gửi tới Ukraine cùng với chi phí vận chuyển và hành chính.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Biden và hai bên đã đạt một thỏa thuận về việc gửi các phiên bản tốt nhất của Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) cho Ukraine, đây là loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 310km. Ông Zelensky cho biết rất biết ơn Mỹ và “tất cả những người ủng hộ tích cực bảo vệ tự do”.