23/04/2024 17:26 GMT+7

Vụ án Trần Quí Thanh: Người vay đã chấp nhận mối quan hệ rủi ro

Chủ tọa cho rằng các bị hại trong vụ án đã chấp nhận rủi ro để được vay tiền của ông Trần Quí Thanh thông qua hợp đồng giả cách.

Ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Trần Quí Thanh và con gái Trần Uyên Phương - Ảnh: HỮU HẠNH

Bị hại Nguyễn Huy Đông cho biết vào năm 2017, ông thế chấp 2 thửa đất cho một ngân hàng để lấy 59 tỉ đồng.

Ông Trần Quí Thanh đồng ý với cáo trạng

Đến tháng 1-2019, ông Đông cần tìm nguồn vay 67 tỉ đồng để trả nợ ngân hàng thì được người quen giới thiệu bà Đoàn Nguyễn Minh Hoàng (tên thường gọi Julia, môi giới cho vay tiền của ông Trần Quí Thanh).

Bà Hoàng trao đổi với ông Đông về cách thức vay tiền, trả lãi 3%/tháng nhưng phải chuyển nhượng 2 thửa đất 643 và 643A Kinh Dương Vương cho Trần Uyên Phương, phí môi giới 6%/tổng số tiền vay.

Sau khi được bà Hoàng đưa đến gặp ông Thanh thì ông Đông đặt vấn đề vay 90 tỉ đồng, nhưng chỉ cho vay 80 tỉ đồng.

Ông Đông cho biết việc giải chấp và ký hợp đồng chuyển nhượng 2 thửa đất diễn ra tại ngân hàng, với sự có mặt của bà Hoàng, công chứng viên, bà Uyên Phương không có mặt.

"Ông có tài sản, có pháp lý đầy đủ, vì sao không làm hợp đồng vay bình thường, mà làm hợp đồng chuyển nhượng?", chủ tọa hỏi thì ông Đông đáp: "Lúc đầu tôi có thắc mắc với Julia, thì Julia nói phía bị cáo là doanh nghiệp lớn, làm thủ tục vay như vậy chứ không lấy đất của tôi làm gì. Lúc đó tôi tin tưởng vào uy tín của bị cáo và Tân Hiệp Phát nên không nghĩ gì".

"Có phải điều kiện cho vay như vậy, không đồng ý vay thì thôi, đúng vậy không?", chủ tọa tiếp tục hỏi thì ông Đông đồng ý. 

Ông Đông đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại đối với số tiền 80 tỉ đồng được xác định đã vay ông Thanh. Theo ông Đông, số tiền 80 tỉ đồng này đã bị phía ông Thanh giữ lại hơn 1,6 tỉ đồng là tiền thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ phát sinh.

"Nếu tòa tuyên buộc ông Thanh trả lại tài sản của tôi thì tôi sẽ trả lại tiền đã vay với điều kiện hủy các hợp đồng chuyển nhượng", ông Đông nói. Đối với số tiền 2,5 tỉ đồng chi cho môi giới thì ông Đông không yêu cầu trả lại.

Trả lời hội đồng xét xử, bà Hoàng cho biết lúc đầu ông Đông tìm gặp bà thông qua một mẩu tin đăng trên trang web với nội dung "cần tiền, bán rẻ hai tài sản Kinh Dương Vương" chứ không phải vay tiền.

Cũng theo bà Hoàng, khi gặp tại một quán cà phê thì ông Đông nói tình trạng tài chính khó khăn và muốn bán đất. Bà Hoàng khai chỉ môi giới mua bán, không tham gia vào quá trình bàn bạc, giao kết giữa hai bên.

Bà Hoàng phủ nhận việc thỏa thuận về lãi suất vay,  mà chỉ thừa nhận thỏa thuận về số tiền 2,5 tỉ đồng phí môi giới. 

Về mối quan hệ với bà Hoàng, ông Trần Quí Thanh khai bà Hoàng là người môi giới bất động sản.

Trả lời hội đồng xét xử về lời khai của ông Đông thì ông Trần Quí Thanh nói ông Đông muốn vay nhưng phía ông muốn mua. Vì 2 tài sản của ông Đông trong ngân hàng sắp bị phát mãi nên ông Đông mới bán. 

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết chấp nhận nội dung của cáo trạng.

Hội đồng xét xử ngắt lời ông Thanh và cho biết quá trình điều tra đã tiến hành định giá tài sản theo quy định và không có lý do gì để bị hại bán tài sản với giá thấp hơn nhiều giá trị thực. Hội đồng xét xử cho rằng nếu như ông Thanh khai thì bị hại có thể để ngân hàng phát mãi tài sản sẽ có lợi hơn.

Đối với phương án về phần dân sự mà bị hại đưa ra thì ông Thanh cho biết nếu hội đồng xét xử tuyên như vậy thì ông chấp nhận.

Bà Trần Uyên Phương khai là người trực tiếp giao dịch với ông Đông về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chứ không trao đổi về việc vay tiền.

"Bị cáo có thông tin từ ông Thanh là ông Đông đồng ý bán đất với giá 67 tỉ đồng thì bị cáo đã trao đổi với ông Đông để giải chấp tại ngân hàng và mua đất", bà Phương khai. 

Bà Uyên Phương cho biết tiền mua đất là của bà, nhưng không có ý kiến gì với phương án về phần dân sự mà ông Đông đề nghị như trên.

Bị hại Nguyễn Văn Chung tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Bị hại Nguyễn Văn Chung tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Chủ tọa: Bị hại đã chấp nhận rủi ro để vay tiền

Trả lời hội đồng xét xử, bị hại Nguyễn Văn Chung đồng ý với nội dung cáo trạng. Chủ tọa hỏi ông Chung: "Lý do gì vì sao mình có tài sản đi vay tiền lại ký hợp đồng chuyển nhượng?", thì ông Chung trả lời do người môi giới nói phải ký chuyển nhượng mới cho vay tiền và vì tin tưởng vào uy tín của Tân Hiệp Phát.

Chủ tọa cho rằng các bị hại trong vụ án này đã chấp nhận rủi ro để vay tiền. "Thực ra vụ án này nếu không có các giao dịch chuyển tiền, nhận tiền rất rõ, mà chỉ "giao nhận, thỏa thuận miệng" với nhau thì rất khó buộc tội các bị cáo, cơ quan điều tra đã điều tra rất công phu, kỹ lưỡng mới có căn cứ xử lý.

Tôi biết hiện nay giao dịch vay nhưng khi ra công chứng là tiến hành giao dịch chuyển nhượng tài sản rất là nhiều và dẫn đến rủi ro cho người vay. Nếu người vay chấp nhận mà không có căn cứ nào thì pháp luật không thể bảo vệ", chủ tọa nói.

Hội đồng xét xử cho rằng các bị hại đã tự đưa mình vào mối quan hệ không được pháp luật công nhận. 

"Trong vụ này, người cho vay sau khi nhận được tài sản của bên vay bằng hợp đồng trái luật vì bản chất không phải là chuyển nhượng. Đến khi người vay có yêu cầu được nhận lại tài sản thì bên cho vay không trả nên mới cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm", chủ tọa nói.

Tóm tắt diễn biến vụ án liên quan cha con ông Trần Quí ThanhTóm tắt diễn biến vụ án liên quan cha con ông Trần Quí Thanh

Sáng 23-4, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử ông Trần Quí Thanh và hai con gái về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bốn bị hại.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên