LỜI TOÀ SOẠN

Ba tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 3 người tử vong.

Năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 ca tử vong. Ba chỉ số này lần lượt trong năm 2022 là 54 - hơn 1.300 - 18.

Về nguyên tắc, các trường hợp ngộ độc và ngộ độc thực phẩm hầu hết có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, việc chẩn đoán xét nghiệm, điều trị gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều trường hợp chưa từng được đề cập trong y văn hoặc bắt gặp trong thực tế.

Nhân Tháng hành động về an toàn thực phẩm (15/4-15/5), VietNamNet đăng tải tuyến bài Đằng sau những vụ ngộ độc gây ám ảnh chia sẻ những câu chuyện, hành trình giải mã độc chất và nỗ lực cứu người của các bác sĩ.

 

Đó không phải là loại thuốc đắt đỏ nhất mà bác sĩ Nguyên và đồng nghiệp từng sử dụng cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, dù mỗi lọ trị giá tới 8.000 USD. Nhưng nó khiến người có gần 25 năm trong ngành Cấp cứu - Chống độc, từng tham gia điều trị trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn, như bác sĩ Nguyên ấn tượng nhất.

Ngày 18/8/2020, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 2 bệnh nhân là vợ chồng quê Hoài Đức (Hà Nội), được chuyển từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương. 

“Người chồng 70 tuổi bị liệt hoàn toàn, rất nguy kịch, phải thở máy; còn người vợ bị nặng, liệt các cơ, ứ đọng đờm rãi, không nuốt được, phải ăn qua sonde”, Tiến sĩ Nguyên nhớ lại ngày gần 4 năm trước. 

May mắn, người vợ vẫn còn phều phào trả lời được câu hỏi của bác sĩ dù phải ghé sát tai mới nghe được. 

Họ cùng gặp triệu chứng giống nhau sau 1-2 ngày dùng thực phẩm đóng hộp Pate Minh Chay. Điểm này rất quan trọng để nhận định đây là trường hợp ngộ độc. Những dấu hiệu lâm sàng được ghi nhận: Ban đầu, họ cùng bị liệt vùng mặt cổ, đau họng, khó nói, rồi khó thở, yếu tay chân. Nói theo ngôn ngữ của các bác sĩ là kiểu liệt lan xuống (liệt bắt đầu từ vùng đầu đến chân) tuy nhiên bệnh nhân không có bất thường về cảm giác, không tê bì hay rối loạn cảm giác. Đây là những triệu chứng điển hình của ngộ độc do botulinum.

Một bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ảnh chụp tháng 4/2024. Ảnh: Thạch Thảo

24 giờ sau, 15h ngày 19/8, Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế đầu tiên báo cáo khẩn vụ việc đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) với nội dung "Theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố botulinum". Thông tin này mở đầu cho loạt động thái quan trọng sau đó của nhà chức trách trên khắp cả nước, bởi độc tố này có thể gây chết người với liều rất nhỏ.

Vụ hàng loạt người ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum khi đó gây xôn xao dư luận bởi tính chất nặng nề, nhiều người mắc, trải dài từ Bắc và Nam, đặc biệt Việt Nam chưa từng ghi nhận ca bệnh tương tự trước đó.

“Ngộ độc thực phẩm do botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên có ít người bệnh được phát hiện, dẫn tới ít được quan tâm”, bác sĩ Nguyên nói. Ở Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế trước đây chưa chính thức ghi nhận trường hợp nào bị ngộ độc botulinum.

Cùng khoảng thời gian này, ngoài 2 ca bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, ở phía Nam, trong hơn 1 tháng (từ 24/7-27/8), Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng tiếp nhận rải rác các ca bệnh từ nhiều tỉnh/thành, cùng nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... Gần 10 ca bệnh đầu tiên đều đã đến nhiều cơ sở y tế trước đó nhưng chưa phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh.

“Bối rối” là tâm lý mà các thầy thuốc gặp phải khi tiếp nhận các ca bệnh đặc biệt này. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khi đó cho biết hơn 30 năm làm nghề, ông mới tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc botulinum. Triệu chứng ngộ độc botulinum dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảnh khác như nhược cơ, nhiễm trùng... khiến các bác sĩ nhiều lần hội chẩn, bàn bạc đưa ra nhiều ý kiến và giả thuyết khác nhau.

Từ phòng làm việc, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên quan sát, theo dõi diễn biến tại các khu vực điều trị trong Trung tâm Chống độc. Ảnh: Thạch Thảo

Ở thời điểm đó, các thầy thuốc đều cho rằng đây là những ca bệnh hiếm gặp, trên thế giới cũng có ít, cả bác sĩ Việt Nam và thế giới đều phải loay hoay chẩn đoán.  

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cũng chia sẻ dù làm bệnh viện trên 20 năm nhưng rất hiếm gặp trường hợp ngộ độc này. Bản thân ca bệnh đầu tiên ở Long An đến viện ông (giữa tháng 7/2020) có triệu chứng sụp mi, khó thở, khó nuốt… nhưng ban đầu chưa nghi là ngộ độc thực phẩm. 

Hai ngày sau, cô em gái của bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng tương tự, phải thở máy, thầy thuốc loại trừ nguyên nhân uốn ván, tiên liệu do ngộ độc thực phẩm và bắt đầu hành trình tìm hiểu về bệnh đặc biệt này. Thầy thuốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Chợ Rẫy đã trao đổi thông tin, hội chẩn để xác định nguồn gốc vi khuẩn này và báo cáo Bộ Y tế. 

Gần 4 năm sau sự việc khiến hàng chục người mắc, ít nhất 2 người tử vong, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên vẫn cho rằng nhận định “theo dõi nghi ngộ độc thực phẩm do độc tố botunilum” được thầy thuốc Trung tâm Chống độc đưa ra vừa nhanh chóng vừa chính xác ngay sau 1 ngày tiếp nhận bệnh nhân khi ấy không phải chỉ là “may mắn” mà hội tụ rất nhiều yếu tố. Điều quan trọng là đã đến thời điểm Việt Nam đủ khả năng chẩn đoán và điều trị. 

“Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân rất điển hình. Chúng tôi học hỏi về bệnh lý này qua những trải nghiệm chuyên môn trước đó và nhờ sự giao lưu, hội nhập, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế, chia sẻ nâng cao trình độ của các thầy thuốc từ những đồng nghiệp, chuyên gia giỏi của nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan. Một phần quan trọng là từ yếu tố dịch tễ, qua lời kể của bệnh nhân nữ về việc đã dùng sản phẩm Pate Minh Chay đóng hộp nên chúng tôi loại trừ các bệnh lý uốn ván, nhược cơ hay thần kinh…”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Manh mối tiếp nối manh mối. Bác sĩ Nguyên cho biết y văn ghi nhận thịt hay rau, củ, quả, hải sản được đóng gói kín đều có thể nhiễm độc tố botulinum. Ông cũng nhớ những lần trao đổi trước đó với chuyên gia nước ngoài, biết rằng ở Thái Lan đã xảy ra ngộ độc loại này do lọ măng, ở Trung Quốc do đậu lên men, ở Đài Loan do thịt lên men,… Điều đó giúp ông củng cố thêm nhận định ban đầu: Bệnh nhân rất có thể ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum.

Nhanh chóng đưa ra nhận định ban đầu, song song với việc gửi mẫu bệnh phẩm và mẫu pate dùng dở của bệnh nhân lên Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, các thầy thuốc Trung tâm Chống độc không thể “ngồi im chờ đợi” kết quả khẳng định rồi mới điều trị

Một điều khiến vụ ngộ độc pate Minh Chay trở nên ấn tượng với các bác sĩ tại đây là tính chất ngộ độc nặng nề, kéo dài, nguy cơ biến chứng và tử vong cao. 

Về lý thuyết, độc tố botulinum khi tấn công sẽ gây tổn thương nặng nề, cắt đứt các đầu mối dây thần kinh ở các vị trí. Các vị trí thần kinh như vậy tạm ngừng hoạt động, rồi bị hỏng hoàn toàn, khiến bệnh nhân liệt nặng. Việc hồi phục cần mất nhiều tháng để các dây thần kinh tái tạo, “mọc” lại, sau đó cơ thể mới dần vận động trở lại và đỡ liệt. Thương tổn thần kinh biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau từ nhẹ tới nặng. Nhiều bệnh nhân khác nhẹ hơn khi đến khám tại Trung tâm chống độc chỉ mệt mỏi, suy nhược, về bản chất chính là liệt toàn thân nhưng ở mức độ nhẹ.

Bệnh hiếm, thầy thuốc buộc phải xoay xở đủ cách để cứu mạng bệnh nhân, trong đó, phải có bằng được thuốc giải độc. “Đây là loại ngộ độc hiếm gặp nên thuốc giải độc thuộc hàng hiếm, không có sẵn trong nước”, bác sĩ Nguyên nhớ lại. 

Ông cho biết, trong những lần trao đổi trước đó tại các hội nghị quốc tế với chuyên gia, ông biết họ cũng từng gặp phải các vấn đề tương tự. Có lúc chỗ này chỗ kia thiếu thuốc, thậm chí các nước cũng phải vận chuyển thuốc giải độc tới các nơi bằng trực thăng. 

Là đồng nghiệp, lại là các quốc gia láng giềng, gần gũi văn hóa, các bạn đã nêu ý tưởng về cơ chế điều phối xuyên biên giới giữa các nước trong khu vực với các thuốc giải độc cho bệnh nhân ngộ độc.

“Ở thời điểm một số năm trước, khi còn chưa phát hiện được vụ ngộ độc botulinum nào ở Việt Nam, khi nghe các bạn trao đổi, tôi đã ghi nhận và xác định đây là cơ hội cho Việt Nam. Nay loại ngộ độc này đã xuất hiện, chính là lúc cần đến cơ chế điều phối thuốc giải độc xuyên biên giới với sự hỗ trợ từ phía bạn. Chúng ta cũng phải chủ động làm như vậy mới cứu được bệnh nhân, không thể ngồi chờ”, vị chuyên gia kể lại.

Một trong 2 lọ thuốc giải độc tố botulinum được vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam cứu bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay. Ảnh: Thạch Thảo

Nói là làm. Các thầy thuốc Trung tâm Chống độc liên hệ ngay với Trung tâm Chống độc Ramathibodi tại Bangkok (Thái Lan), may mắn đồng nghiệp nước bạn sẵn sàng điều phối. Thầy thuốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khi đó tự tay soạn từng công văn, trình ký duyệt “ngay và luôn”, rồi được sự can thiệp, giúp đỡ của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Thái Lan khi đó họp liên tục, 11 ngày sau khi nhập viện Bạch Mai, cặp vợ chồng bệnh nhân ngộ độc botulinum được sử dụng hai lọ thuốc giải độc trị giá 16.000 USD miễn phí. 

“Tôi ấn tượng vô cùng với thùng hàng đặc biệt được vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam. Thùng carton lớn chỉ có hai lọ thuốc nhỏ xíu được đóng gói, bảo quản cẩn thận”, bác sĩ Nguyên nói cầm trên tay 2 lọ thuốc trị giá 370 triệu đồng. 

Chỉ một ngày sau khi dùng thuốc giải độc này, bệnh nhân nữ đã cải thiện rõ, tự ngồi dậy được, mở mắt, há miệng và giọng nói tốt hơn. Bà được rút ống sonde, tự ho khạc, tự đi đến bên giường bệnh của chồng.

Từ vụ việc phát hiện ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum đầu tiên tại Việt Nam này, các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã cùng đồng nghiệp, cơ quan quản lý đưa ra phác đồ chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum không chỉ qua thực phẩm mà còn ở dạng nhiễm độc qua vết thương hay ngộ độc ở trẻ bú sữa (nhũ nhi). 

Tính đến hết tháng 9/2020, ít nhất 16 người bị ngộ độc Botulinum sau ăn pate Minh Chay phải nhập viện điều trị. Bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam…

Hầu hết họ đều tình trạng nặng, liệt cơ, suy hô hấp, phải thở máy dài ngày. Ngoài ra, hàng chục người đến khám với mức độ ngộ độc nhẹ (mệt mỏi, yếu cơ…). Một bệnh nhân nam sau đó đã tử vong (vào tháng 11/2020).

Các xét nghiệm sau đó cho thấy pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn C.botulinum tuyp B gây ngộ độc cho người ăn. Cơ sở sản xuất pate Minh Chay- Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới - bị phạt hành chính 17,5 triệu đồng.