Tuyển sinh 2024: Mức độ cạnh tranh giữa các phương thức xét tuyển

19/04/2024 15:25 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch tuyển sinh ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non với quy định về các mốc thời gian cụ thể, các trường ĐH cũng đưa ra những lưu ý quan trọng cho thí sinh về phương thức xét tuyển, cách thức nộp hồ sơ, chọn ngành...

Phần 2 của chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Những thông tin mới về tuyển sinh 2024" do Báo Thanh Niên tổ chức 15 giờ 30 đến 16 giờ 45 ngày 19.4, tiếp tục thông tin tới bạn đọc những nội dung về phương thức xét tuyển, cách chọn ngành học

Chương trình đang được phát trực tuyến tại các nền tảng: website https://thanhnien.vn/, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.

Đại diện các trường ĐH sẽ cung cấp những thông tin mới về xét tuyển năm 2024 ở từng trường, với các phương thức xét tuyển sớm như sử dụng điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực hay xét tuyển thẳng.

Trong đó, có trường cùng là xét tuyển học bạ nhưng lại có đến 2-3 cách dùng điểm khác nhau. Như vậy, thí sinh nên chọn cách nào hoặc có thể chọn nhiều cách trong phương thức học bạ hay không?

Cũng có trường xét tuyển tới 11 đợt, vậy giữa các đợt có gì khác nhau hay không và càng về sau liệu chỉ tiêu có còn nhiều?

Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH năm nay mở thêm ngành học mới, liệu cơ hội trúng tuyển vào những ngành này có cao hơn những ngành đã tuyển sinh trước đó?

Tuyển sinh 2024: Mức độ cạnh tranh giữa các phương thức xét tuyển- Ảnh 1.

Học sinh tham gia chương trình Tư vấn Mùa thi của Báo Thanh Niên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thời điểm này, các trường đang nhận hồ sơ xét tuyển sớm, trong đó có trường đã kết thúc đợt 1 xét tuyển bằng học bạ. Những ngành nào được thí sinh quan tâm nhiều, với những ngành thí sinh đăng ký nhiều thì mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh ở các phương thức khác ra sao?

Tất cả những nội dung trên sẽ được các chuyên gia giải đáp cụ thể. Bạn đọc quan tâm và có thắc mắc về những điểm mới trong tuyển sinh, có thể đặt thêm câu hỏi thông qua các địa chỉ trên của Báo Thanh Niên.

Các chuyên gia tham gia tư vấn phần 2 của chương trình

Các chuyên gia tham gia tư vấn phần 2 của chương trình

LÊ THANH HẢI

Các phương thức xét tuyển 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết năm nay trường có 6 phương thức xét tuyển: xét tuyển sớm gồm phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; xét kết quả học tập tốt THPT (4 diện xét tuyển cụ thể); xét tuyển bằng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển; phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển bằng kết quả kỳ thi V-SAT từ thí sinh dự thi tại các đơn vị: Trường ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Tây Nguyên; phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing

Trường nhận hồ sơ xét tuyển sớm từ ngày 22.4 với 5 phương thức (trừ phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý thời gian xét tuyển sớm từng phương thức sẽ không giống nhau.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin năm nay trường sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. Với phương thức xét học bạ, nhà trường sử dụng 3 tiêu chí: tổng điểm trung bình 3 học kỳ, điểm trung bình theo tổ hợp môn lớp 12, tổng điểm trung bình cả năm lớp 12. Phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng là phương thức xét tuyển sớm.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết trường năm nay xét tuyển dựa vào học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT… Dù xét tuyển bằng phương thức nào thí sinh cũng trúng tuyển vào trường, điều kiện học tập như nhau.

Những lưu ý khi lựa chọn ngành học 

Thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), thông tin, năm nay nhà trường xét 63 ngành. Trong đó có 7 ngành mới là các ngành đáp ứng nhu cầu thiết yếu về chuyển đổi số, công nghệ số. Chẳng hạn, công nghệ thẩm mỹ, công nghệ tài chính hoặc kinh tế số là những ngành có sự giao thoa của các ngành cũ với công nghệ thông tin. Để mở mới một ngành cần nhiều điều kiện, một trong những tiêu chí quan trọng là nhu cầu nhân lực của lĩnh vực đó trong tương lai gần.

Về sự cạnh tranh giữa các ngành, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, 2 ngành marketing và kinh doanh quốc tế luôn là ngành ‘hot’ của trường trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, trường có nhiều chương trình khác nhau để thí sinh lựa chọn: chương trình chuẩn, chương trình tích hợp, chương trình tiếng Anh toàn phần, chương trình quốc tế.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

Theo thạc sĩ Trần Văn Trắng, nhóm ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, khoa học máy tính là các ngành luôn thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều. Tuy nhiên, một điểm mới trong năm nay là sức hút của một số ngành khác như: Đông phương học, Nhật Bản học, công nghệ truyền thông đa phương tiện… Năm nay, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có học bổng dành riêng cho học sinh của hơn 20 trường THPT trên địa bàn TP.Thủ Đức.

Thạc sĩ Trương Quang Trị cho biết, sau 4 đợt nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng học bạ, nhóm ngành có nhiều thí sinh quan tâm là khoa học sức khỏe. Các ngành khác cũng đang được nhiều thí sinh quan tâm gồm: quản trị kinh doanh, marketing, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, tâm lý học…

Độc giả có thể nhấn vào ĐÂY để xem lại phần 1 chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Những thông tin mới về tuyển sinh 2024".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.