Thứ năm, 2/5/2024
Thứ năm, 18/4/2024, 18:50 (GMT+7)

Thăm loạt di tích trăm tuổi ở quê Hồ Xuân Hương

Nghệ AnXã Quỳnh Đôi - quê hương "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương có 8 di tích quốc gia, nhiều đền thờ cổ kính, con người hiếu học, phong cảnh nên thơ, là điểm đến hút khách quanh năm.

Xã Quỳnh Đôi rộng 4,15 km2, gồm 8 thôn, nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Lưu 5 km về phía đông bắc, nổi tiếng với bề dày văn hóa, truyền thống cách mạng và khoa bảng.

Theo thống kê của UBND xã Quỳnh Đôi, từ năm 1378-1918, xã có 734 người đậu tú tài và cử nhân, 4 phó bảng, 7 tiến sỹ, 2 hoàng giáp, một thám hoa. Sau năm 1945 đến nay, xã có 55 tiến sĩ, 16 phó giáo sư.

Quỳnh Đôi là tên xã, cũng có làng cùng tên. Đầu xã là cổng làng Quỳnh Đôi nằm trên tỉnh lộ 537D, xung quanh là những cánh đồng lúa xanh mướt. Cổng cao 14 m, rộng 22 m, khánh thành năm 2016, được xây từ nguồn tiền công đức của những người con xa quê.

Quỳnh Đôi là quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822). Bà vốn thông minh, sắc sảo, ứng biến nhanh song cuộc đời gặp nhiều éo le khi hai lần đò đều lỡ dở, bao nhiêu nỗi niềm đều gửi hết vào thơ.

Hồ Xuân Hương được nhiều người mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm" không chỉ bởi số lượng tác phẩm mà còn bởi lối thơ điêu luyện, hàm ý sâu sắc. Các tác phẩm của bà hiện còn nhiều bài ở mảng thơ Nôm truyền tụng như Bánh trôi nước, Vịnh cái quạt, Lời mời trầu.

Trên ảnh là tượng Hồ Xuân Hương đặt trong khuôn viên nhà thờ họ Hồ.

Quỳnh Đôi là điểm đến nổi tiếng về văn hóa, du lịch của huyện Quỳnh Lưu. Toàn xã có 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia, một di tích cấp tỉnh.

Khi bước qua cổng làng, du khách có thể ghé thăm quần thể mộ và nhà thờ Hoàng giáp - Thượng thư Quỳnh quận công Hồ Phi Tích. Công trình được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 2015.

Bên cạnh nhà thờ Hồ Phi Tích là vườn trúc rộng hàng trăm mét vuông. Gần đó là các ngôi mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà yêu nước Hồ Tùng Mậu, bia tưởng niệm anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan.

Hằng năm, vào dịp lễ Tết, quê hương của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đón hàng nghìn du khách tới ghé thăm. Địa phương đã bố trí hướng dẫn viên mặc áo dài truyền thống, kể cho mọi người nghe các câu chuyện về sự tích của làng Quỳnh cũng như sự đóng góp của các nhân vật lịch sử.

Các biển chỉ dẫn tới những địa danh trong nổi tiếng xã đều được ghi trên tấm gỗ tạo hình con cá. Hồi cuối năm 2023, xã Quỳnh Đôi phục dựng chuyện xưa "cơm cá gỗ", mời du khách đến xem để giới thiệu về vùng đất hiếu học, giàu nhân kiệt. Điển tích "cơm cá gỗ" gắn với tính cách con người nơi đây, hiếu học, vượt khó vươn lên, nỗ lực thành tài.

Cách trung tâm xã khoảng 500 m là nhà thờ họ Hồ đại tộc ở thôn 4, tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 6.000 m2. Công trình được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992, tưởng niệm cụ Hồ Kha (người có công lập xã) cùng các bậc hậu duệ trong họ có công với đất nước.

Cách nhà thờ họ Hồ khoảng 200 m là di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ, tưởng nhớ Nguyễn Thạc cùng các bậc tiền nhân trong dòng họ có công giúp nước, giúp dân.

Nguyễn Thạc quê ở Hải Dương, từng cùng với những bậc tiền nhân của họ Hồ như Hồ Hồng, Hành Khiển có công chiêu dân khai hoang lập ấp. Năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được phong làm phúc thần của làng Quỳnh cùng với các ông Hồ Kha, Hồ Hồng.

Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ có nhiều hạng mục cổ kính, thiết kế theo kiến trúc thời Trần, mỗi ngày đều có khách tới tham quan, chụp hình.

Đình Quỳnh Đôi đối diện với trụ sở UBND xã Quỳnh Đôi, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Đình trước đây là trung tâm hành chính, văn hóa của làng Quỳnh.

Đình mặt chính hướng Đông Nam, có 5 gia, 24 cột cao hơn 5 m, xây theo kiểu tứ trụ với mái chuông, vì kèo chạm trổ hoa văn hoa lá.

Trước Cách mạng Tháng 8/1945, đình là nơi hội họp của Mặt trận Việt Minh. Năm 1978, công trình được nhà chức trách địa phương dùng làm nhà truyền thống để giáo dục truyền thống cách mạng cho con em.

Nhà thờ họ Dương cũng là công trình kiến trúc cổ tồn tại hàng trăm ở làng Quỳnh. Đây là dòng họ có truyền thống cách mạng và hiếu học, nhiều người đỗ đạt thành danh, được vua Lê ban tặng 8 chữ vàng "Thanh bạch môn phong, thế xuất khoa bảng", dịch nghĩa là "Nếp nhà thanh bạch, đời cử khoa danh".

Ngoài các công trình trên, xã Quỳnh Đôi còn nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh khác như đền thờ Hoàng Khánh, nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu, mộ và đền thờ Hồ Sỹ Dương, đền Thần.

Ở cánh đồng ngoài làng Quỳnh có giếng cổ Bà Cả, gắn liền giai thoại gánh nước nước trượt chân của "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương.

Tương truyền, những lần về quê Quỳnh Đôi, Hồ Xuân Hương đi gánh nước ở giếng Cả, đựng nước vào 2 chiếc nồi đất. Vốn không thạo việc nhà nông, nữ sĩ gánh nước lóng ngóng, trượt chân ngã, nồi đất vỡ tung.

Nhiều nữ du khách khi đến làng Quỳnh thường mặc áo tứ thân ra giếng Bà Cả, mang theo gánh nước cùng nồi đất để chụp hình check in.

Là vùng đất nổi tiếng, song Quỳnh Đôi có nguy cơ bị "xóa sổ" do có thể được đổi tên sau khi sáp nhập với xã Quỳnh Hậu.

Lãnh đạo xã Quỳnh Đôi nói địa bàn là quê hương "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương, lịch sử hơn 600 năm, có bề dày văn hóa, tiềm năng du lịch lớn, nếu không còn nữa thì ai cũng trăn trở, nên họ kiên quyết giữ lại tên.

Xã Quỳnh Hậu giáp Quỳnh Đôi về phía đông, diện tích 5,68 km2, lịch sử gần 400 năm, người dân làm nông nghiệp và buôn bán. Xã có hai vị thành hoàng làng được vua Lê Đại Hành sắc phong, tiềm năng du lịch nổi tiếng với di chỉ khảo cổ học Đền Đồi cùng nhiều lễ hội truyền thống như hát ghẹo, tuồng chèo.

Chủ tịch xã Trần Đức Hữu cho biết địa bàn cũng có truyền thống lịch sử "không thua xã bạn, nếu không thể giữ thì tên mới cũng phải gợi nhớ đến xã cũ".

Ngày 17/4, UBND tỉnh Nghệ An cho biết không chấp thuận tờ trình tên xã mới sau sáp nhập của huyện Quỳnh Lưu, trong đó có việc đổi tên xã Quỳnh Đôi. Thường trực Ban chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện làm lại quy trình, làm rõ việc đặt tên đơn vị hành chính mới dựa trên cơ sở nào, người dân có đồng thuận không và báo cáo tỉnh trước ngày 20/4.

Đức Hùng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net