16/04/2024 20:55 GMT+7

Đền bù đất nông nghiệp giá 25.000 đồng/m2 năm 1999, UBND huyện Nhà Bè bị kiện

Năm 1999, bà Nguyễn Thị Sáu bị thu hồi 3000m2 đất tại Nhà Bè, với giá bồi thường 25.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Bà Sáu không đồng ý và khởi kiện.

Bà Nguyễn Thị Sáu (bìa trái) cùng hai người đại diện tại tòa - Ảnh: ĐAN THUẦN

Bà Nguyễn Thị Sáu (bìa trái) cùng hai người đại diện tại tòa - Ảnh: ĐAN THUẦN

Ngày 16-4, Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ khiếu kiện này.

Khởi kiện vì tiền đền bù đất không thỏa đáng

Theo nội dung khởi kiện, bà Sáu là chủ sử dụng thửa đất có diện tích 3.000m2 ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Nhà Bè cấp ngày 17-1-1994. 

Nguồn gốc đất do ông bà để lại từ năm 1973 và trồng lúa ổn định, không có tranh chấp.

Diện tích 3.000m² nêu trên nằm trong dự án quỹ đất dự trữ của thành phố được UBND TP.HCM phê duyệt năm 1999.

UBND huyện Nhà Bè hiệp thương đền bù cho bà Sáu với tổng số tiền 76 triệu đồng. 

Trong đó bồi thường về đất 25.000 đồng/m², thưởng 1 triệu đồng nhưng bà Sáu không đồng ý và có yêu cầu phải đền theo giá thị trường hoặc hoán đổi cho bà Sáu 3.000m² đất ở nơi khác có vị trí, loại đất tương đương nhưng không được chấp nhận.

Sau đó, UBND huyện Nhà Bè đề nghị hỗ trợ bổ sung cho bà Sáu được mua một căn nhà chung cư với giá thành xây dựng nhưng bà Sáu không đồng ý. Tháng 10-2015, Công ty cổ phần địa ốc Phú Long đến san lấp mặt bằng thì bà Sáu ngăn cản và yêu cầu không được thi công. Công ty Phú Long yêu cầu bà Sáu đo đạc rồi dựng ranh rào.

Đến khi nhận được quyết định của chủ tịch UBND huyện Nhà Bè về việc cưỡng chế thu hồi đất thì bà Sáu khiếu nại. 

Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè ban hành quyết định bác khiếu nại của bà Sáu.

Ngày 22-2-2019, bà Sáu tiếp tục khiếu nại đến UBND TP.HCM để yêu cầu được bồi thường thỏa đáng thì UBND TP.HCM chỉ đạo cho chủ tịch UBND huyện Nhà Bè bác yêu cầu này.

Bà Sáu tiếp tục khiếu nại thì chủ tịch UBND TP.HCM ban hành quyết định bác khiếu nại của bà Sáu.

Sau đó bà Nguyễn Thị Sáu khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết: hủy các quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định về việc cưỡng chế; buộc UBND huyện Nhà Bè phải bồi thường theo giá thị trường là hơn 16,5 triệu đồng/m²; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND TP.HCM cấp cho Công ty Phú Long…

Lý do khởi kiện vì bà Sáu cho rằng UBND huyện Nhà Bè không ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường, hỗ trợ riêng lẻ cho bà Sáu là trái pháp luật, bà Sáu không nhận bất kỳ văn bản bồi thường, hỗ trợ nào khác. 

Phía người bị kiện cho rằng việc thu hồi 3.000m2 đất đã được thực hiện theo các trình tự thủ tục đúng theo quy định pháp luật. 

Do bà Sáu không đồng ý nhận tiền đền bù nên số tiền 76 triệu đồng được gửi vào ngân hàng thông qua hai sổ tiết kiệm.

Tháng 5-2021, Tòa án nhân dân TP.HCM xử sơ thẩm vụ án trên đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Sáu. 

Sau đó, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM quyết định kháng nghị phúc thẩm, đồng thời người khởi kiện cũng kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm.

Ngày 26-4-2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự.

Đem tiền đền bù đi gửi tiết kiệm bằng tên cán bộ

Tại phiên tòa hôm nay (16-4), hai người bị kiện có đơn xin xét xử vắng mặt và có ba người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là thành viên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng Tài nguyên - môi trường và Phòng Tư pháp huyện Nhà Bè.

Trả lời hội đồng xét xử, đại diện theo ủy quyền của bà Sáu cho biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Sáu vẫn còn được bà giữ dù hiện nay không còn quản lý, sử dụng.

Trong khi đó phía UBND huyện Nhà Bè trả lời "chưa nắm" việc có thực hiện thủ tục thu hồi hay hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Sáu hay chưa.

Theo phía ủy ban, 3.000m2 đất của bà Sáu nằm trong dự án "quỹ đất dự trữ cho TP", dự án này được hình thành từ quyết định thu hồi đất ngày 18-6-2003 nhưng quyết định thu hồi đất này được thực hiện theo phương án được ban hành năm 1999.

"Phương án 377 ngày 4-11-1999 của UBND TP.HCM là thực hiện đền bù cho dân cư trong dự án đầu tư xây dựng đường nối từ đường Bình Thuận đến KCN Hiệp Phước và quỹ đất dự trữ cho TP. 

Như vậy là thực hiện cùng lúc đối với hai dự án thì sau đó đến năm 2003 TP mới tách ra, do đó mới có quyết định năm 2003 nhưng thực tế là từ quyết định năm 1999, do đó áp giá bồi thường theo Luật Đất đai 1999", phía ủy ban giải thích.

"Như vậy đối tượng thực hiện quyết định thu hồi đất năm 2003 là ai?", chủ tọa hỏi thì phía ủy ban đáp "trong đó có bà Sáu".

Chủ tọa tiếp tục hỏi phải chăng thời điểm này đất bà Sáu chưa được thu hồi thì phía ủy ban cho rằng "đã bồi thường nhưng chưa thu hồi".

Về căn hộ chung cư mà UBND huyện Nhà Bè vào năm 2008 đề nghị hỗ trợ bổ sung cho bà Sáu được mua với giá thành xây dựng, phía ủy ban cho biết thuộc dự án Đông Mê Kông ở xã Phước Kiển nhưng chưa thể trả lời về diện tích và giá vì cho rằng chủ đầu tư chưa xây dựng xong và chưa bàn giao nên chưa có phương án.

Hội đồng xét xử hỏi lý do sổ tiết kiệm mà Ban bồi thường huyện Nhà Bè gửi 76 triệu đồng tiền đền bù mà bà Sáu không nhận lại đứng tên một cá nhân thì phía ủy ban cho biết người đứng tên là cán bộ Ban bồi thường.

Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Văn bản nào chứng minh Ban bồi thường được quyền sử dụng tên cá nhân để gửi tiền này? Nếu cá nhân đứng tên gửi thì lấy gì để chứng minh là tiền bồi thường của bà Sáu?". Phía ủy ban trả lời việc này có hướng dẫn và hứa sẽ cung cấp sau cho tòa án.

Do phía người bị kiện chưa cung cấp được một số tài liệu trong vụ án nên hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa. 

Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 14-5.

Giao đất 26 năm chưa đền bù, do thuộc quản lý nhà nước?Giao đất 26 năm chưa đền bù, do thuộc quản lý nhà nước?

7 hộ dân giao đất làm cảng cá Nam Cửa Việt 26 năm trước chưa nhận được đền bù, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị sau rà soát cho biết đất không được đền bù vì "thuộc quản lý nhà nước".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0