Thứ ba, 30/4/2024
Thứ ba, 16/4/2024, 10:08 (GMT+7)

Người Khmer đắp núi cát, núi gạo trong Tết Chôl Chnăm Thmây

TP HCMNgười Khmer đắp các núi cát, gạo rồi thắp nhang cầu bình an trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây ở chùa Chantarangsay (quận 3), tối 15/4.

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội chào đón năm mới theo lịch của người Khmer, năm nay diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 16/4.

Chôl nghĩa là "vào" và Chnăm Thmay là năm mới. Người xưa cho rằng đây là thời điểm trời đất giao hòa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, cây cối đâm chồi nảy lộc.

Một trong những hoạt động quan trọng nhất của tết Chôl Chnăm Thmây là đắp núi cát để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần, người đã khuất, cầu mong tốt lành.

20h30 tối 15/4, lễ cúng núi cát bắt đầu. Bên hông chùa Chantarangsay có 8 núi cát được các sư đắp từ hôm trước, cao gần một mét, bên ngoài trát lớp vữa để tạo độ cứng. Độ cao của núi cát tuỳ vào quan niệm của mỗi chùa.

Sư Chhom Ri cho biết những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, ngọn núi ở chính giữa là trung tâm của vũ trụ. Tục đắp núi cát được bắt đầu bằng nghi thức làm lễ quy y cho núi và đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thế.

Thầy dẫn kinh Nguyễn Kim Hải (đeo kính) làm lễ trước núi cát. Người đàn ông 71 tuổi cho biết mỗi hạt cát đắp lên núi sẽ giải thoát được một người có tội ở thế gian. Vì thế, người Khmer rất hăng hái đắp núi cát mong Đức Phật ban phước lành.

Sau khi cúng bái các điện Phật, chị Dương Thị Kim Thoa, 26 tuổi, ở quận Tân Bình, đi một vòng cắm nhang lên 8 núi cát quanh sân chùa.

"Vào ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bất cứ người Khmer nào, dù bận rộn mấy cũng ghé chùa cầu mong bình an, sức khoẻ", chị Thoa nói.

Tại chùa Chantarangsay còn diễn ra nghi thức đắp núi gạo với ý nghĩa tương tự như núi cát. Hoạt động này có thể không diễn ra ở những chùa khác của người Khmer trong dịp này.

Núi gạo thường có hình vuông, bên trong cúng trái cây, cắm cờ vong hồn. Độ cao thấp của núi gạo tuỳ vào lòng thành tâm của Phật tử lễ chùa. Ngoài ra việc đắp núi gạo còn là hành động cúng dường, thể hiện sự đoàn kết của Phật tử và sư sãi trong việc chăm lo cho chùa.

Chị Thị Mén (phải) đặt túi gạo đắp lên núi sau khi cúng bái. Người phụ nữ 35 tuổi cho biết, mọi năm ngày Tết Chôl Chnăm Thmây thường về quê ở Kiên Giang đi chùa làm lễ.

Người tham gia viết tên tuổi, địa chỉ cùng lời cầu nguyện của mình khi đắp núi gạo.

Dưới sân chùa, mọi người ngồi lắng nghe hoà thượng trụ trì Danh Lung pháp thoại, đọc kinh ban phước lành dịp năm mới.

Khoảng 21h30, kết thúc các nghi lễ đắp núi cát, gạo, người dân và Phật tử nán lại chùa dâng lễ, khấn Phật.

Hoạt động buộc chỉ đỏ cầu may diễn ra xuyên suốt những ngày tết Chôl Chnăm Thmây ở chùa. Tín ngưỡng này cũng diễn ra trong nhiều lễ hội khác của người Khmer như lễ Sene Dolta, lễ Phật đản, lễ Ok Om Bok.

Chùa Chantarangsay được xây dựng năm 1946, còn được gọi là Candaransi (Ánh Trăng) là ngôi chùa Khmer đầu tiên ở Sài Gòn. Chùa có diện tích 4.500 m2, là chốn tu hành của các nhà sư theo trường phái Nam Tông, nơi sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer Nam Bộ.

Trong năm, chùa tổ chức các ngày lễ lớn theo truyền thống Phật giáo và văn hóa của người dân Khmer như tết Chol Chnam Thmay, lễ Phật đản, lễ Ok Om Bok, lễ Sene Dolta.

Quỳnh Trần