14/04/2024 11:01 GMT+7

Chị nhớ ba quá, em ơi

Tôi không phải người mau nước mắt, nhưng phải thú thật, đôi khi nước mắt lặn vào trong, cố trưng nụ cười trên môi nhưng sóng gió cứ chực chờ bung bét trong lòng.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Ba mất đã 3 năm, cứ ngỡ tôi đã thôi không còn nước mắt để khóc. Vậy mà bữa nọ, chồng đi làm, chạy ra đầu ngõ liền gửi hình qua Zalo cho tôi. Tấm hình chụp vội lúc anh chạy xe nên nhòe nhiều. Tôi hỏi anh chụp gì? Anh nói: "Ba đó!". Chỉ vậy thôi, mà nước mắt tôi tự dưng chảy thành dòng.

Người đàn ông gầy gò, nhỏ con, tóc bạc trắng trong hình anh chụp, nhân dáng và đến cả giọng nói y hệt ba tôi. Nhà ông cùng xóm, ngay đầu ngõ nhưng tôi hầu như rất ít gặp.

Tôi đi làm, tối nào cũng về muộn cùng với bao thứ việc không tên trong nhà nên hầu như không bao giờ tôi rảo bước ra đường hẻm, đi "nhiều chuyện" như những người phụ nữ khác.

Tôi chỉ gặp ông chú ấy đúng một lần, trong năm dịch, khi cùng nhau ra đầu ngõ, lúc ấy còn đang trong giai đoạn phong tỏa căng thẳng - để nhận tiền hỗ trợ COVID-19. Tôi nhớ hoài cái dáng đi dẫu gầy gò nhưng rất nhanh nhẹn, kiểu đi của dân quen lao động tay chân.

Lúc đó ai cũng phải đeo khẩu trang, đi đứng giữ khoảng cách, nhưng khi nghe giọng ông chú trả lời cán bộ phường, tim tôi nghẹn lại. Giọng ông chú giống ba tôi quá! Tôi kể chồng nghe, anh cũng gật gù. Trái đất này, người giống người là chuyện thường mà em. Nhưng anh biết, trong thâm tâm tôi nhớ ba.

Lần gần đây nhất, tôi đến thăm nhà một đứa em trên Củ Chi. Khi vào nhà, gặp ba của em ấy, tôi gần như đứng hình, cảm giác như đang đứng trước ba mình. Chú ấy cũng giống ba tôi, từ nụ cười đầy nếp nhăn đến khuôn mặt hiền khô, đôi mắt sáng, phong thái nhanh nhẹn, mái đầu bạc trắng, giọng nói sang sảng.

Không kềm chế được cơn xúc động, tôi xin phép chú và em cho tôi thầm gọi một tiếng ba! Tôi xin chụp chung chú ấy một tấm hình. Khi về, tôi gửi cho đứa em xem, với lời nhắn: "Chị nhớ ba chị quá, em ơi!". Có lẽ em không biết, lúc gửi tin nhắn đi, tôi đã khóc.

Nhiều năm trôi qua nhưng nỗi nhớ ấy chưa bao giờ vơi, dù tôi luôn tránh nhắc về nó để có thể mạnh mẽ vượt qua nỗi buồn. Sau lưng tôi còn có gia đình, còn con nhỏ, tôi không được phép gục ngã bởi bất kỳ nỗi buồn đau nào, tôi tự đề ra kỷ luật, nguyên tắc cho bản thân như vậy. Nhưng trái tim có lý lẽ riêng của nó.

Nỗi nhớ - nhất là nhớ người thân yêu nhất đời mình - đâu phải nói cất đi là có thể quên được, mà nó vẫn hiển hiện tươi rói mỗi khi gặp lại ai đó giống ba mình.

Hôm qua một người bạn đăng dòng tin khiến tôi thảng thốt. Bạn kể mình mới nói chuyện với ba hôm qua thôi, mà sáng nay, ba đã theo mây bay về trời.

Tôi luôn sợ đọc phải những dòng tin lặng lẽ đến nhói đau như vậy, bởi tôi đã từng. Tôi cũng từng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình, khi mới chiều hôm ấy còn gọi điện hỏi ba ăn gì để tôi nấu mang vào bệnh viện. Bữa cơm cuối cùng của ba diễn ra lặng lẽ bên đứa em trai, trong bệnh viện, không phải bữa cơm nhà.

Tôi không biết an ủi bạn mình thế nào, ngoài câu chia buồn thông dụng nhất. Bởi dẫu có trăm ngàn lời an ủi cũng không xoa dịu được nỗi nhớ đã khởi lên từ sự lìa xa ấy. Nỗi nhớ ấy sẽ còn dài, còn dài...

Có khi đi hết cuộc đời này vẫn chưa thôi nhớ.

Con nhớ ba nhiều lắmCon nhớ ba nhiều lắm

TTO - Ba ơi, con nhớ ba nhiều lắm dù con chưa biết ba là ai. Con vẫn tin ngày nào đó con được gặp ba, ít nhất là trong giấc mơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên