14/04/2024 09:45 GMT+7

Gia đình cả tháng không cùng ăn cơm chung thì nếp nhà còn đâu

Bữa cơm gia đình như chất keo để thêm gắn kết các thành viên trong gia đình, nhưng hiện nay nhiều gia đình ở các đô thị những giây phút quây quần này ngày càng thưa dần.

Cả nhà quây quần bên bữa cơm gia đình - Ảnh minh họa: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Cả nhà quây quần bên bữa cơm gia đình - Ảnh minh họa: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Đối với không ít gia đình hiện nay để có một bữa ăn với đầy đủ các thành viên trong gia đình đã là một điều khó, còn tập hợp được cả đại gia đình thì còn khó khăn hơn rất nhiều.

Cả tháng không cùng ăn cơm chung

Chị T.K.T. (42 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức) không ngần ngại chia sẻ để có một bữa ăn gồm đầy đủ các thành viên với gia đình chị hiện đang là một điều "xa xỉ".

Chị T. nói như vậy bởi vì đã lâu lắm rồi gia đình chị không có một bữa ăn gia đình. Nhìn lại, chị thấy các thành viên trong nhà chị dường như đang "chạy sô" dù không ai làm nghề ca sĩ hay diễn viên!

Chồng chị làm chức trưởng phòng trong một công ty nhà nước. Thi thoảng, chồng chị mới phải đi công tác nhưng hằng tuần anh nhà tiếp khách, giao lưu bên ngoài khá nhiều. Chị có hai cô con gái. Một cô học lớp 9, một cô học lớp 12. Lịch học thêm của các con dày đặc, kể cả cuối tuần.

Hằng ngày buổi sáng các con đến trường và ghé căng tin ăn sáng. Buổi trưa các con ăn theo suất ăn bán trú tại trường. Còn khi tan trường, các con ăn vội món gì đó sau đó tự bắt xe ôm đến các lớp học thêm. Thấy chồng và các con ít ăn cơm nhà, chị T. cũng thường đặt bữa tối ở ngoài giao tới nhà để đỡ nấu nướng.

Ngày nghỉ cuối tuần, hai vợ chồng chị đi ăn sáng cùng nhau vì hai con thường ngủ nướng 9-10h mới dậy. Các con nói học vất vả cả tuần nên cuối tuần muốn được ngủ thoải mái như thế.

Buổi trưa chị T. nấu cơm cho cả nhà ăn, nhưng do các con ăn sáng trễ nên lúc vợ chồng chị ăn trưa thì hai con chị vẫn chưa ăn.

Các con thường ăn trưa lúc 2-3h chiều xong nghỉ ngơi và chuẩn bị đi học thêm. Cứ vậy, có khi cả tháng nhà chị không có bữa ăn gia đình với đầy đủ các thành viên.

Tương tự chị N.T.H. (36 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh) kể vợ chồng chị có hai bé nhỏ. Một bé học lớp 6, một bé học lớp 3. Mỗi tuần, hai bé cùng có hai buổi tối học thêm tiếng Anh tại trung tâm. Ngoài ra, mỗi tuần bé lớn học thêm các môn tự nhiên tại trung tâm vào hai buổi tối, học võ vào hai buổi tối, bé nhỏ học đàn piano hai buổi tại nhà thầy...

Hai vợ chồng chị thay phiên nhau đưa con đi học. Chồng chị phụ trách bé lớn, chị phụ trách bé nhỏ và đều ăn ở ngoài. Buổi sáng chị H. thường mua một phần ăn cho con đến trường ăn. Buổi trưa các con ăn tại trường. Chỉ đến cuối tuần nhà chị mới nấu ăn và có bữa cơm gia đình.

Chuyện các gia đình có một bữa ăn đầy đủ các thành viên đã khó, còn việc sắp xếp để đại gia đình cùng gặp mặt, ăn một bữa ăn, hoặc có thể tham dự sinh nhật của một thành viên trong gia đình càng khó khăn hơn.

Chị B.B.A. (46 tuổi, ngụ ở Q.4) kể nhà chị có ba anh em. Cả ba đều đã lập gia đình, mỗi người đều có ba bé.

Cứ đến dịp một bé sinh nhật, cả nhà cứ phải canh miết xem tổ chức cho các cháu được vào ngày nào để có thể có đủ thành viên trong đại gia đình cũng là một việc khó khăn.

Thường không thể tổ chức đúng ngày sinh nhật cho các con vì ngày thường người lớn có nhiều công việc bận rộn, còn các con thì vướng lịch học, may ra cuối tuần có thể tổ chức nhưng không phải lần nào cũng có đủ các thành viên.

Còn anh P.T.D. (48 tuổi, ngụ ở Q.7) kể anh cùng các anh em ruột của anh đều ở TP.HCM. Các anh em cũng muốn thi thoảng có dịp cho các con cháu trong nhà gặp gỡ, vui chơi thế nhưng rất khó sắp xếp. Mấy anh em trong nhà đều có công ty riêng nên rất nhiều việc, các cháu cũng bận học nên thường dịp Tết mới được gặp mặt, vui chơi.

Ưu tiên bữa tối cho gia đình

Sắp xếp cuộc sống gia đình làm sao để cả nhà có một bữa ăn gia đình mỗi ngày dường như là điều không đơn giản. Trong khi đó, bữa ăn gia đình lại mang đến rất nhiều lợi ích.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết ăn cùng nhau giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động và ngôn ngữ. Cuộc trò chuyện trong bữa tối có thể còn quan trọng hơn, trẻ sẽ học nhiều từ hơn trong bữa ăn tối.

Ngoài ra, bữa ăn gia đình có thể giúp thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh và dinh dưỡng tốt hơn. Trẻ lớn và thanh thiếu niên thường xuyên ăn tối với gia đình sẽ ăn nhiều trái cây và rau hơn. Những trẻ này cũng có xu hướng ít ăn đồ chiên, nước ngọt hơn mỗi tuần và ít bị thừa cân hơn.

Còn TS Ngô Xuân Điệp, khoa tâm lý Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM, cho hay những gia đình ít có bữa ăn cùng nhau đồng nghĩa với việc ít có cơ hội kết nối, hiểu nhau.

Những bữa ăn quây quần bên nhau là sự gắn bó, là "nếp nhà", là nơi tạo nhiều kỷ niệm.

TS Điệp còn nhấn mạnh bữa ăn gia đình chỉ có ý nghĩa với những gia đình hạnh phúc. Vì khi đó, mọi thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy vui vẻ, ấm áp khi ăn cùng nhau. Ngược lại, nếu gia đình đó là một "tổ lạnh", không khí luôn căng thẳng, khó chịu thì trẻ chỉ muốn bê tô cơm ra đâu đó ăn hoặc được ăn một mình ở một nơi khác...

Ưu tiên bữa tối cho gia đình có nghĩa là cha mẹ sẽ phải làm một số việc. Có thể cần phải lên kế hoạch trước, đưa nó vào nhật ký của mỗi thành viên trong gia đình. Cha mẹ thậm chí có thể sắp xếp lại các nghĩa vụ khác để có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn.

Chữa lành bằng một bữa cơm mẹ nấuChữa lành bằng một bữa cơm mẹ nấu

Chẳng cần đi đâu xa để chữa lành. Cách tốt nhất là trở về nhà để ăn một bữa cơm mẹ nấu, đầy ắp hơi ấm tình thân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên