14/04/2024 06:17 GMT+7

'Bóng ma công sở': Chỉ làm đủ phần việc được trả lương

Sau dịch, trào lưu làm việc (chủ yếu ở giới trẻ) đã xuất hiện trước đó bỗng nổi lên và trở thành xu hướng có tên quiet quitting, và bóng ma công sở, là âm thầm nghỉ việc, làm việc cầm chừng.

Mất động lực và không còn nhiệt huyết cống hiến, nhiều người chọn làm việc cầm chừng trong tình trạng kiệt quệ - Ảnh minh họa: UNPLASH

Mất động lực và không còn nhiệt huyết cống hiến, nhiều người chọn làm việc cầm chừng trong tình trạng kiệt quệ - Ảnh minh họa: UNPLASH

Hiện tượng bóng ma công sở này có nghĩa là nhân viên chỉ làm đủ và đúng phần việc mình được trả lương, hết giờ thì về nhà, không có nhu cầu tăng ca, không trả lời tin nhắn công việc sau giờ làm, cũng chẳng muốn kết nối với đồng nghiệp.

"Làm thêm, lương vẫn vậy"

Nhìn đồng hồ đúng 17h, Gia Huy (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) tắt máy tính rồi dọn đồ rời văn phòng sau khi hoàn tất chấm công. Chàng trai đang làm việc tại một công ty xây dựng cho biết đã làm như vậy hơn một năm nay sau lần bất mãn bởi câu nói của sếp: "Sau ba tiếng đồng hồ từ khi hết giờ hành chính mới bắt đầu tính overtime (làm thêm giờ)".

"Điều này có nghĩa dù có ngồi lại văn phòng làm thêm mấy tiếng cũng không thêm được đồng nào. Vậy thôi cứ hết 8 tiếng cơ bản rồi về, hôm sau làm tiếp", Huy nói.

Anh nhớ lại hồi mới đi làm, mình vốn là người yêu công việc, có nhiều năng lượng.

Nhiều tháng liền, thời gian Huy ở công ty còn nhiều hơn phòng trọ. Sau 17h, anh cùng 2 đồng nghiệp tiếp tục ở công ty làm đến tối, nghỉ ngơi ăn uống một chút rồi làm tới 1 - 2h khuya và ngủ lại tại đó. Sáng sớm về nhà tắm rửa, thay đồ xong lại vào công ty. Cực nhọc, nhưng bù lại lương cũng tăng không ít.

Sau đó do sức khỏe giảm sút, anh chỉ ngồi lại làm đến 19 - 20h. Hơn một năm nay, đam mê và nhiệt huyết cống hiến của chàng trai 27 tuổi mất dần. Thường bất đồng với cấp trên bởi cảm thấy mình bị làm khó dễ, cộng thêm thu nhập giảm đôi chút do khó khăn chung, tiền thưởng ngày lễ bị cắt, Huy quyết định làm việc theo xu hướng quiet quitting, tới đâu hay tới đó.

Do đặc thù công việc không thể mang về nhà làm, Huy chỉ làm đúng 8 tiếng, hôm nào sáng đi trễ mới ngồi lại thêm 30 phút.

"Có ngồi làm thêm hay không thì lương vẫn vậy, nếu thế thì nên dành thời gian cho bản thân sau khi hết giờ hành chính còn tốt hơn", Huy nói. Anh cho hay trong tương lai gần có thể vẫn tiếp tục làm đủ phần việc của mình để giữ thu nhập và không trở thành người thất nghiệp.

Từ sau dịch COVID-19, công ty truyền thông nơi Ngô Thu Hà (ngụ quận 3, TP.HCM) làm việc chuyển sang làm việc online là chủ yếu, mỗi tuần nhân viên có thể lên văn phòng 2 - 3 ngày. Làm việc từ xa, mọi thứ đều chỉ qua màn hình máy tính khiến Hà dần mất kết nối với đồng nghiệp.

"Nhiều ý tưởng, kế hoạch mình đưa ra, sếp bác bỏ, chê tới chê lui, hoặc đòi hỏi những thứ vô lý, nằm ngoài khả năng nhân viên. Đồng nghiệp cũng không mặn mà bàn công việc, đóng góp ý kiến khi tôi muốn trao đổi, mà theo kiểu sao cũng được.

Một số dự án chạy marketing của team tôi dù đã cố hết sức cũng không đạt hiệu quả như kỳ vọng, dẫn tới thu nhập giảm 1/3 nhiều tháng liền", Hà nói.

"Bóng ma công sở" làm cầm chừng, âm thầm tìm việc mới

Từ một người có triển vọng được đề bạt lên cấp trưởng phòng marketing, Hà thẳng thắn thừa nhận giờ đây cô không còn muốn đóng góp hết sức mình nữa.

Một số ý tưởng nghĩ ra song nếu nhắm khó thực hiện hoặc khả năng cao chiến dịch không hiệu quả, cô sẽ quyết định không làm ngay từ đầu hoặc chọn cách dễ nhất để làm, thay vì thử sức với phương án khó hơn.

"Ở công ty tôi có một số bạn thẳng thừng từ chối làm thêm giờ. Hết giờ làm là không nghe điện thoại, trả lời tin nhắn công việc, cũng không cố hoàn thành deadline trước hạn.

Nói chung do không còn động lực nữa, cả tôi và đồng nghiệp chỉ làm đủ phần việc để không bị sa thải, giữ được lương bổng", Hà chia sẻ.

Cô cho hay mình đang âm thầm tìm việc mới nhưng chưa có nơi phù hợp nên không thể xin nghỉ ở đây, đành tiếp tục làm "zoombie công sở" (ý chỉ những nhân viên vật vờ) dù biết điều này không hề tốt cho bản thân cô lẫn sự phát triển của công ty.

Ảnh hưởng từ trào lưu của nước ngoài, ngày càng nhiều những người trẻ ở Việt Nam lựa chọn quiet quitting như Gia Huy, Thu Hà. 

Họ không từ bỏ, chỉ thay đổi thái độ đối với công việc. Họ vẫn đi làm, nhưng làm cầm chừng chứ chẳng muốn gắn bó lâu dài, nhiệt huyết và mong muốn đóng góp cho công ty đã không còn nữa.

Nhiều người cho biết sở dĩ không nghỉ việc (trừ khi bị sa thải) bởi cần tiền để trang trải sinh hoạt hằng tháng, không có khoản dư để dự phòng trong thời gian thất nghiệp.

Bên cạnh đó, một số lao động do chưa tìm được công việc hoặc chỗ làm mới nên cố cầm cự làm ở nơi hiện tại bằng cách làm cho xong rồi thôi.

Thoát Thoát 'sương sương' 600 nhóm chat sau khi nghỉ việc

Âm thanh khiến cô nhân viên văn phòng này sợ nhất chính là thông báo tin nhắn đến từ hơn 600 nhóm chat của mình. Ngày nghỉ việc, cô như được hồi sinh!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên