10/04/2024 10:31 GMT+7

Định mức mỗi giảng viên 6m²: Xa xỉ?

Thời buổi tấc đất tấc vàng, mỗi giảng viên đại học có được 6m² chỗ làm việc riêng tại trường dường như là điều xa xỉ.

Ở mỗi tầng thuộc khu giảng dạy, Trường đại học Văn Lang đều bố trí phòng làm việc giảng viên - Ảnh: TRÀ MY

Ở mỗi tầng thuộc khu giảng dạy, Trường đại học Văn Lang đều bố trí phòng làm việc giảng viên - Ảnh: TRÀ MY

Theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có hiệu lực từ 22-3-2024, ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt. Giảng viên toàn thời gian được bố trí diện tích và bàn ghế làm việc riêng biệt tại cơ sở giáo dục đại học, trong phòng chung hoặc riêng nhưng không ít hơn 6m2 cho mỗi người.

30 năm đi dạy, chưa từng có chỗ ngồi riêng

Tiêu chí 6m2/giảng viên được coi là thách thức rất lớn đối với các trường đại học. Ngay cả diện tích đất, sàn phục vụ đào tạo còn chưa đạt được, nói gì đến diện tích làm việc cho giảng viên.

Để đạt được chuẩn này, trường đại học phải cắt xén các phòng chức năng, phòng học hiện tại hoặc cơi nới, mở rộng diện tích. Đó là chưa kể cắt xén diện tích sẽ ảnh hưởng đến việc đào tạo.

Nhưng để có đất mở rộng không phải dễ. Trong khi đó, với giảng viên, không có nơi làm việc, nghỉ ngơi khiến họ mệt mỏi khi chờ giờ dạy tiếp theo.

Trường đại học Công Thương TP.HCM hiện có 650 giảng viên cơ hữu. Nếu bố trí tối thiểu 6m2/giảng viên, tổng diện tích sàn phải đạt tối thiểu 3.900m2. Cũng trong năm học này, cơ sở chính của trường (nơi đào tạo lý thuyết chính) có diện tích sàn là 22.385m2

Với diện tích này, nếu bố trí gần 4.000m2 nơi làm việc cho giảng viên thì không biết sinh viên lấy chỗ đâu để học.

Tương tự, Trường đại học Thương mại có 458 giảng viên cơ hữu. Tổng diện tích sàn xây dựng của trường là 47.926m2. Diện tích sàn/sinh viên hiện chỉ có 2,57m2/sinh viên, chưa đạt chuẩn 2,8m2. Nếu phải dành ra hơn 2.700m2 làm nơi làm việc cho giảng viên, diện tích phục vụ đào tạo sẽ bị thu hẹp.

Nói về diện tích làm việc 6m2, giảng viên một trường đại học tư thục lớn trăn trở đã 30 năm đi giảng cho sinh viên, trải qua ba trường đại học (hai công, một tư) và thỉnh giảng khắp nơi nhưng bản thân ông chưa từng biết đến có một chỗ ngồi làm việc tử tế.

"Mang tiếng là trường đại học nhưng chỗ ngồi cho giảng viên không có, trừ trưởng bộ môn và trưởng khoa. Giảng viên đến trường gặp nhau ở phòng nghỉ giáo viên là chính (nếu trường có phòng này). Có giờ lên lớp, hết giờ hoặc nghỉ trưa thì quay lại phòng nghỉ giảng viên đợi đến giờ. 

Cho nên giờ nghe đến cái tiêu chí 6m2/giảng viên tôi nghĩ tiêu chí này sẽ rất khó để thực hiện được với điều kiện và năng lực cơ sở vật chất của các trường đại học Việt Nam hiện tại. Giảng viên đại học phải "siêu thích nghi" với hoàn cảnh hiện có của trường nơi mình làm việc. 

Dù thiếu thốn đủ thứ vẫn dạy đủ giờ và vượt giờ (để cải thiện thu nhập) và làm hàng trăm thứ không tên và không lương khác ngoài giờ" - ông này chua chát nói.

Mỗi giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM đều được bố trí vị trí làm việc riêng, cố định - Ảnh: Đ.T.

Mỗi giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM đều được bố trí vị trí làm việc riêng, cố định - Ảnh: Đ.T.

Coi chừng lãng phí

Trong hội nghị tập huấn triển khai chuẩn đại học mới đây, đại diện Trường đại học Tài chính - Marketing cho biết hiện nay giảng viên "chạy sô" rất nhiều, ít có nhu cầu làm việc tại trường. Do đó việc bố trí nơi làm việc cứng cho giảng viên, dù tốn nhiều diện tích nhưng có thể gây lãng phí đầu tư vì giảng viên không làm việc.

Ông Hoàng Xuân Hiệp - hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội - cho biết hiện nay các văn phòng khoa, văn phòng bộ môn của trường bỏ không rất nhiều. Thế nên đầu tư phòng làm việc cho đủ 6m2/giảng viên có khi lại lãng phí.

Tương tự, khi nói về tiêu chí 6m2, ông Nguyễn Xuân Hoàn - hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM - cho rằng đó là điều không tưởng đối với điều kiện của trường hiện nay.

"Với 650 giảng viên, trường xây bao nhiêu cho đủ. Ngay cả giảng viên cũng phản ứng vì có giờ dạy họ mới lên trường, không có thì họ làm việc ở nhà. Thay vì xây phòng làm việc, trường đầu tư phòng lab cho giảng viên nghiên cứu. 

Dĩ nhiên có nhiều giảng viên ở xa trường, cần nghỉ ngơi chờ giờ dạy, trường đã bố trí phòng nghỉ ngơi. Tôi cho rằng phòng làm việc cho giảng viên là không cần thiết. Tiêu chuẩn nào cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế chứ không thể quy định cứng như vậy. 

Trường cố gắng bố trí nơi làm việc nhưng giảng viên không đến thì lãng phí. Trường chấp nhận không đạt chuẩn tiêu chí này khi thực hiện kiểm định" - ông Hoàn khẳng định.

Trong khi đó, hiện nay một số trường đã bố trí phòng làm việc cho giảng viên. Chẳng hạn, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM có 420 giảng viên, trường bố trí 12 phòng làm việc với 421 vị trí làm việc. Mỗi bàn làm việc có 4 vị trí. "Mỗi vị trí đều có bảng tên của giảng viên, người khác không được ngồi vào. Khu phòng làm việc được bố trí ngay dưới thư viện nên khá thuận tiện cho giảng viên nghiên cứu. Ngoài ra, trường có khu nghỉ trưa cho giảng viên với trên 100 giường" - ông Nguyễn Đức Trung, hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết.

Tương tự, ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường đại học Văn Lang - cho biết mỗi tầng khu giảng dạy của trường đều có phòng làm việc cho giảng viên. Bàn làm việc được thiết kế như dạng cabin. Giảng viên có thể nghỉ ngơi chờ đến giờ dạy, chuẩn bị bài, nghiên cứu. Ngoài ra, giáo sư, phó giáo sư còn có phòng làm việc riêng.

Đại diện Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cho biết các cơ sở của trường đều có phòng làm việc dành cho giảng viên. Riêng cơ sở Hóc Môn, ở mỗi tầng trường đều bố trí phòng làm việc cho giảng viên.

Quan trọng là nhu cầu giảng viên

Ông Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, cho biết trường có diện tích khá lớn, các khoa, bộ môn đều có văn phòng. Thế nên xét về chuẩn 6m² thì trường làm là sẽ đạt. Chuẩn thì trường phải thực hiện nhưng ông Hiệp quan tâm hơn đến hiệu quả của chuẩn này.

Ông Hiệp nói điều quan trọng là xem giảng viên có thực sự có nhu cầu nơi làm việc riêng tại trường hay không. Giảng viên ngoài giờ lên lớp còn có giờ chuẩn bị bài giảng. Trong thời buổi công nghệ này, họ có thể làm ở bất cứ đâu họ cảm thấy thoải mái, hiệu quả. "Mục tiêu của trường là giảng viên phải chuẩn bị bài giảng tốt để nâng cao chất lượng đào tạo chứ không phải giảng viên phải lên trường ngồi làm việc" - ông Hiệp nói thêm.

Việc nên làm

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng yêu cầu về không gian làm việc riêng của giảng viên không phải quá cao. Giảng viên trường đại học không chỉ dạy xong rồi về mà còn tiếp sinh viên, nghiên cứu, tham gia hoạt động chuyên môn, trao đổi với đồng nghiệp. Hiện chuẩn 2,8m²/sinh viên. Bình quân khoảng 20 sinh viên/giảng viên, tức là đã có khoảng 56m², nếu dành 1/10 này cho giảng viên thì giảng viên đã có chỗ làm việc tốt và hiệu quả. Đây là việc rất nên làm.

Vật vạ chờ tới giờ lên lớp

Một người từng có hơn 20 năm làm giảng viên nhiều trường đại học cả công lập và tư thục tại TP.HCM cho biết cho đến khi làm quản lý cách đây vài năm, ông chưa từng có nơi làm việc khi còn là giảng viên.

"Thông thường, trường sẽ xếp tiết dạy gối đầu liên tục. Trong trường hợp cách tiết thì xuống căng tin trường uống cà phê chờ tới giờ. Buổi trưa ăn cơm rồi vật vạ đâu đó chờ tới tiết dạy buổi chiều. Chỗ làm việc riêng, thậm chí nơi để ngồi nghỉ chờ tiết dạy tiếp theo cũng không có. Thời buổi tấc đất tấc vàng, các trường lấy đâu ra 6m² cho giảng viên. Nếu mỗi thầy ngồi ở một bóng cây nào đó thì may ra có" - vị này nói.

Cùng quan điểm này, giảng viên một trường đại học tư thục tại TP.HCM cho biết trường không có phòng giảng viên chứ nói gì đến nơi làm việc 6m². "Mới đây chúng tôi có đề xuất biến phòng thực hành của ngành du lịch thành phòng nghỉ cho giảng viên. Giảng viên sẵn sàng trả tiền thuê theo giờ. Vừa thuận tiện cho giảng viên, sinh viên cũng có thể thực hành buồng phòng sát thực tế sau khi khách trả phòng. Tuy nhiên đề xuất này không được duyệt" - người này nói.

Nhiều trường đại học quy mô "siêu nhỏ", có nơi chưa tới 200 sinh viênNhiều trường đại học quy mô 'siêu nhỏ', có nơi chưa tới 200 sinh viên

Quy mô đào tạo đại học chính quy của nhiều trường đại học, phân hiệu đại học chỉ trên dưới 1.000 sinh viên, thậm chí có nơi chưa đến 200 sinh viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên