10/04/2024 06:56 GMT+7

Quy định trang phục cho đám cưới hàng trăm người, có quá... học đòi?!

Khái niệm dress code giờ gần như không còn xa lạ với số đông người Việt trong đám cưới. Nhưng biết là một chuyện, còn chấp nhận hay không là chuyện khác hẳn.

Quy định về trang phục khách mời dự đám cưới chỉ nên áp dụng trong một nhóm nhỏ - Ảnh chụp màn hình One Fab Day

Quy định về trang phục khách mời dự đám cưới chỉ nên áp dụng trong một nhóm nhỏ - Ảnh chụp màn hình One Fab Day

Mùa đám cưới dịp cuối năm ngoái, anh bạn đồng nghiệp cũ tổ chức đám cưới cho con. Anh vốn là người tân thời, hiện đại nên cho đôi trẻ gần như toàn quyền chủ động việc tổ chức cưới xin. Nhưng khi con anh đề xuất việc quy định toàn thể khách mời khi dự phải tuân thủ quy định về trang phục (dress code), anh cực lực phản đối.

Cuối cùng, cô dâu chú rể bỏ nhỏ trong nhóm bạn bè thân thiết về đề nghị trang phục, không in trên thiệp cưới.

Từ một chuyện bình thường ở nước ngoài, khi du nhập vào Việt Nam, gần như giới showbiz, những người có tầm ảnh hưởng tới công chúng là những người tiên phong áp dụng.

Chưa kể vài năm gần đây, khi tiệc cưới cũng trở thành "công nghệ tiệc cưới" với đầy đủ lệ bộ, rồi giới chuyên kinh doanh ăn theo tiệc cưới cũng theo đó mà phác họa ra nhiều yêu cầu khác nhau. Và với tâm lý "đời chỉ có một lần", các cặp đôi nhiều khi cũng sẽ bị nghiêng ngả theo trend là chủ yếu.

Bạn cũng đừng tin theo những dẫn chứng rằng: ngay cả những show ca nhạc, tiệc công ty cũng thường quy định trang phục bắt buộc và cũng được hưởng ứng nhiệt tình. Ở công ty, đôi khi chỉ vì lý do tế nhị "cơm áo gạo tiền" mà người tham gia buộc phải chấp nhận. Còn được mời dự tiệc cưới, đôi khi quyền chủ động quyết định đã không còn thuộc về đôi uyên ương nữa.

Vậy thì, dress code áp dụng ở Việt Nam đúng hay không là tùy thuộc nhiều ngữ cảnh và điều kiện.

Bạn học đòi dress code như của nước ngoài, nhưng khách mời của họ chỉ gói gọn nhẹ nhàng, thân thiết trong phạm vi hẹp, trong khi của bạn phải tính bằng hàng vài chục bàn, thậm chí trăm bàn.

Khách mời của bạn bao gồm khách chung và riêng của vợ chồng bạn, khách riêng của cha ruột, của mẹ ruột, khách của ba mẹ chồng/vợ... Chưa kể khách lại phân nhỏ ra theo: bạn học từng cấp, bạn đại học, bạn đồng nghiệp cũ mới, hàng xóm...

Khi quy định trang phục, bạn đã vô tình tự mình gạt bỏ không ít khách mời mà mình đã kỳ công viết thiệp, mất thời gian đi mời.

Còn nếu bạn cho rằng ngày vui của mình, mọi người nên chung tay góp sức nhỏ nhoi qua bộ trang phục quy định, thì khách mời cũng có cái khó của họ. Hoặc họ ít có những bộ đồ "vía", hoặc màu quy định không hợp phong thủy, hay đơn giản chỉ là cái lý do không thích bị bắt buộc phải mặc trang phục gì khi là khách mời.

Anh bạn đồng nghiệp cũ của tôi, trong cơn say chếnh choáng mừng cho hạnh phúc của các con, cho rằng không có sự hòa hợp không gian tiệc cưới nào, không có sự nổi bật của cô dâu chú rể nào cho bằng việc đầy ắp quan khách có mặt đông đủ để chúc mừng hạnh phúc đôi trẻ cả.

Thực hiện dress code trong một nhóm nhỏ là một cách hay để hòa nhập phong cách nước ngoài nhưng hài hòa theo hoàn cảnh riêng của mỗi người.

Bình luận dưới bài viết Tiệc cưới có dress code: Đã tốn phong bao còn lao đao chuyện trang phục, độc giả Vinh nhận xét bạn trẻ sính ngoại nhưng lại kiểu trưởng giả học làm sang, bắt chước theo những xu hướng không hợp với Việt Nam hoặc bắt chước theo các buổi tiệc của các ngôi sao hạng A.

Bạn viết: "Ở nước ngoài, yêu cầu trang phục dress code chỉ dành cho một số buổi tiệc trang trọng, nhóm khách mời và hầu như gia đình, bạn bè thân thiết. Trong khi ở Việt Nam, tiệc cưới có không dưới 400 người bao gồm cả người già, người trẻ và trẻ em thì không thể bắt buộc hàng trăm người mặc trang phục dress code, vừa lãng phí công sức, tiền bạc, vừa gây áp lực lên khách mời và thể hiện sự không tôn trọng của người mời.

Bạn đọc Thảo Lê cho rằng dù khá giả cũng không nên phung phí, chú trọng hình thức phô trương: "Đám cưới là ngày vui, chỉ cần lịch sự, chỉn chu là được. Nhất là đối với những vị lớn tuổi, dress code làm phiền đến các vị hơn".

Bạn đọc Nguyen Hoang Lan thẳng thừng: "Nếu nhận được thiệp mời cưới mà còn yêu cầu phải mặc trang phục như thế nào, tôi không đi dự cưới và cũng không gửi tiền mừng đâu và mối quan hệ đó cũng chỉ tồn tại ở việc biết nhau thế thôi".

Bạn nghĩ sao về việc cô dâu chú rể đưa ra yêu cầu về màu sắc trang phục cho khách dự lễ cưới? Theo bạn như vậy là bình thường, cầu kỳ, hay làm quá? Mời bạn chia sẻ ý kiến về hòm thư tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Tiệc cưới có dress code: Đã tốn phong bao còn lao đao tiền trang phụcTiệc cưới có dress code: Đã tốn phong bao còn lao đao tiền trang phục

Bạn tôi quan điểm rằng tiền mừng cưới có thể nhiều hay ít tùy quan hệ, nhưng mặc chỉn chu đúng dress code thể hiện sự tôn trọng với cô dâu chú rể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: dress code