Đây là một phần trong chiến dịch của Bắc Kinh nhằm đột phá vào các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, khoa học thần kinh, điện toán lượng tử và hạt nhân để định hướng lại mô hình tăng trưởng và chống lại các nỗ lực ngăn chặn từ phương Tây.

Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước (SASAC) - cơ quan giám sát 97 tập đoàn công nghiệp lớn – vừa đưa ra kế hoạch tiên phong dành cho các tập đoàn lớn để nuôi dưỡng các kỳ lân và startup công nghệ. Ủy ban hứa hẹn hỗ trợ và nguồn lực dồi dào trên hành trình này.

Trước đó, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi phát triển "lực lượng sản xuất chất lượng mới", thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới trong nước, đồng thời giảm thiểu tác động của lệnh cấm xuất khẩu công nghệ và sự mơ hồ của địa chính trị.

obqzvs6n.png
Ngành công nghệ của Trung Quốc, vốn được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng, là trọng tâm của nhiều sáng kiến hỗ trợ của chính phủ nước này. Ảnh: Xinhua

Tại các phiên họp Quốc hội tháng trước, Giám đốc SASAC Zhang Yuzhuo cho biết, 35% thu nhập của các doanh nghiệp quốc doanh sẽ đến từ các ngành công nghiệp chiến lược vào năm 2025. Trong một báo cáo, nhà phân tích Lin Xipeng của hãng chứng khoán China Merchants Securities lưu ý ,“SASAC đã đưa ra nhiệm vụ rõ ràng rằng phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và tương lai là một nhiệm vụ then chốt. Trong khi nuôi dưỡng các startup và các đơn vị trong hệ sinh thái của họ, các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ khai thác các cơ hội đầu tư và sáp nhập bên ngoài”.

Hu Yongjun, một quan chức của Trung tâm Thông tin nhà nước thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia nói với truyền thông tuần trước rằng, việc lên kế hoạch để Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo cuộc đua công nghệ toàn cầu là rất cấp bách. Mỹ và châu Âu đang đưa ra các chương trình tương tự. Ông nhắc đến những bài học lịch sử khi Trung Quốc thất bại trong việc nuôi dưỡng khả năng cạnh tranh máy quang khắc, phần mềm công nghiệp và hệ điều hành trong thập niên 70 và 80. Nó dẫn đến sự "bóp nghẹt" hiện tại của phương Tây đối với sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Dù vậy, Fu Weigang, Chủ tịch Viện Tài chính và Luật Thượng Hải, đặt câu hỏi liệu các doanh nghiệp nhà nước có đủ nhanh nhạy và linh hoạt để dẫn đầu lĩnh vực công nghệ cao hay không. Một ví dụ không xa là Nhân dân nhật báo từng chi rất nhiều để ra mắt công cụ tìm kiếm nhưng không thành công. Ông lo ngại sẽ lặp lại thất bại trong các lĩnh vực như AI.

Chủ tịch Weigang chỉ ra một nguyên nhân căn bản là mức lương, thưởng hạn chế tại các doanh nghiệp nhà nước và họ thường ưu tiên các vấn đề khác hơn là hiệu quả. Trong khi đó, tài sản cốt lõi của các công ty công nghệ cao là công nghệ và nhân lực.

Đây không phải lần đầu Bắc Kinh chọn một nhóm các công ty để thúc đẩy các mục tiêu quốc gia. Theo SCMP, trong những năm gần đây, sự hỗ trợ của chính phủ đã giúp thành lập một đội quân gồm những "nhà vô địch tiềm năng" nhỏ nhưng có võ, cũng như một nhóm các nhà sản xuất công nghệ "khổng lồ tí hon" tiên tiến. Hầu hết những người hưởng lợi từ các sáng kiến này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân.

Alex Ma, trợ lý giáo sư hành chính công tại Đại học Bắc Kinh cho biết, những "nhà vô địch tiềm năng" và "người khổng lồ tí hon" có thể lo lắng về việc bị bỏ lại phía sau, khi một "đội tuyển quốc gia" bao gồm các doanh nghiệp nhà nước tham gia cuộc thập tự chinh công nghệ. Theo ông, lý tưởng nhất là tạo ra sức mạnh tổng hợp, trong đó “nhà vô địch tiềm năng” và “người khổng lồ tí hon” tập trung vào sản xuất tiên tiến, còn doanh nghiệp nhà nước đạt đột phá trong các ngành công nghiệp tương lai.

(Theo SCMP)