Suốt nhiều năm qua, nhân viên tại các đại sứ quán Mỹ ở một số nước trên thế giới phàn nàn về tình trạng đau đầu, bất ổn trong tai không rõ lý do. Đối với một số người, triệu chứng chỉ là tạm thời. Nhưng nhiều trường hợp khác bị suy nhược kéo dài, từ đau đầu, mất trí nhớ đến các vấn đề về thị lực, khiến một số người phải nghỉ việc. Các nhà nghiên cứu gọi đây là hội chứng Havana - đặt tên theo nơi ghi nhận ca bệnh đầu tiên. 

Trong những năm tiếp theo, có khoảng 1.500 trường hợp nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại 96 quốc gia có các biểu hiện tương tự, số ca giảm đáng kể trong những năm gần đây.

hoi chung.jpg
Tiến sĩ Paul Andrews trải qua hội chứng Havana khi đi điều tra về căn bệnh này. Ảnh: CNN

Ban đầu, theo CNN, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng đây là cuộc tấn công có chủ ý nhắm vào các nhà ngoại giao và nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) ở nước ngoài. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng để chỉ ra thủ phạm. 

Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tiến hành 2 nghiên cứu để đánh giá về hội chứng Havana. Trong nghiên cứu đầu tiên, các chuyên gia xem xét kỹ bộ não của những người mắc bệnh nhưng không ghi nhận có tổn thương hay sự khác biệt đáng kể nào so với nhóm khỏe mạnh. 

Trong nghiên cứu thứ hai, các nhà khoa học đã tiến hành so sánh tình trạng sức khỏe của 86 nhân viên Mỹ bị hội chứng Havana và so sánh với 30 người có công việc tương tự nhưng không có triệu chứng như vậy. Tất cả được chụp não, xem xét các dấu hiệu sinh học trong máu và đánh giá lâm sàng về thính giác, thị giác, phối hợp tay - mắt, khả năng nhận thức và sự cân bằng. Không có khác biệt đáng kể nào giữa hai nhóm. 

Tuy nhiên, họ ghi nhận các bệnh nhân có triệu chứng thực sự và đang trải qua thời kỳ rất khó khăn. Tiến sĩ Leighton Chan, tác giả chính của nghiên cứu, cho hay: "Triệu chứng có thể khá nặng, gây tàn tật và khó điều trị”. 

Các tác giả cho biết tin tốt là họ không phát hiện các dấu hiệu dài hạn trên phim chụp não sau chấn thương hoặc đột quỵ. Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Louis French, nhà thần kinh học tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, cho biết điều đó “sẽ mang lại sự yên tâm cho bệnh nhân”.

Dù vậy, những người bệnh vẫn tiếp tục có tình trạng mệt mỏi, căng thẳng sau chấn thương (PTSD), trầm cảm, chóng mặt, đứng không vững, không liên quan tới bệnh cụ thể nào. 

Tiến sĩ French cho biết: “Các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương không có gì đáng ngạc nhiên. Thông thường, những cá nhân này gặp phải sự gián đoạn đáng kể trong cuộc sống và lo lắng về sức khỏe cũng như tương lai của họ. Mức độ căng thẳng có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến quá trình phục hồi”. 

Năm 2019, một nghiên cứu riêng biệt của Đại học California cho biết hội chứng Havana có thể là căn bệnh tâm lý do áp lực làm việc căng thẳng. 

Triệu chứng của hội chứng Havana

Kể từ năm 2016, một số người làm việc cho Chính phủ Mỹ gặp các triệu chứng kỳ lạ như nghe thấy tiếng động lớn, cảm thấy áp lực hoặc rung lắc mạnh trong đầu cũng như đau tai. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Havana (Cuba) nên các nhà khoa học đã gọi đây là Hội chứng havana. 

Các triệu chứng khác bao gồm bất ổn nhận thức (liên quan đến trí nhớ và sự tập trung), chóng mặt và mất thăng bằng, nhức đầu, cáu gắt, buồn nôn, ù tai, suy giảm giấc ngủ…