12/03/2024 16:36 GMT+7

Chứng khoán tăng điểm trở lại, dòng tiền e dè hơn

Sau hai phiên liên tiếp giảm mạnh, thị trường chứng khoán kết thúc phiên giao dịch ngày 12-3 với thanh khoản giảm. Trên sàn HoSE, giá trị giao dịch đạt hơn 20.700 tỉ đồng.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán dè dặt hơn sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán dè dặt hơn sau hai phiên giảm mạnh liên tiếp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kết thúc phiên ngày 12-3, VN-Index tăng hơn 9,5 điểm, leo lên vùng 1.245 điểm. Trên sàn HoSE có 260 mã tăng điểm so với 200 cổ phiếu giảm. Trong nhóm VN30, có 17 mã giữ sắc xanh.

Dòng tiền vào chứng khoán thận trọng hơn

Sau hai phiên liên tiếp giảm mạnh, thị trường mở cửa với tâm lý thận trọng hơn. Thanh khoản khớp lệnh phiên sáng nay đạt hơn 9.800 tỉ đồng, giảm 22% so với trung bình 5 phiên tại cùng thời điểm.

Kết lại, cả ba sàn hôm nay ghi nhận tổng giá trị giao dịch đạt gần 23.000 tỉ đồng. Trong đó, HoSE chiếm hơn 20.700 tỉ đồng

Mức khớp lệnh của HOSE đã giảm sau 18 phiên liên tiếp duy trì trên mức bình quân 20 phiên, điều này thể hiện sự thận trọng hơn của dòng tiền.

Điểm số có lúc giảm dưới tham chiếu, nhưng mau chóng lấy lại "phong độ" nhờ diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu trụ.

Các mã ngân hàng, bán lẻ, thép như BID, GVR, TCB, FPT, CTG, HPG, MSN, VCB, VRE… đã đóng góp quan trọng vào chỉ số chung thị trường. Trong đó mã GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam còn tăng trần với 8,97%.

Diễn biến mới nhất từ GVR, doanh nghiệp này vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 với nhiều kế hoạch quan trọng.

Trong đó, đưa ra mục tiêu cụ thể doanh thu, lợi nhuận và tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Ngược lại trong hôm nay nhiều mã lớn như VJC, VIC, SHB, SBT, SHB, VND, VNM… chìm trong sắc đỏ.

Theo VCBS, đà hưng phấn của thị trường cho dấu hiệu hụt hơi nhẹ giữa phiên do áp lực bán chủ động gia tăng, nhưng chỉ số chung vẫn duy trì ở mốc 1240.

Khối ngoại hôm nay bán ròng chủ yếu với tổng giá trị ròng đạt hơn 186 tỉ đồng, tập trung bán VIX, MWG, STB.

Hôm qua (11-3), Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng để ổn định tỉ giá trong nước. Thông tin này được cho là chất xúc tác quan trọng khiến thị trường "đỏ lửa" hôm qua.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã hút 15.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất 1,4%, kỳ hạn 28 ngày. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm lập tức có sự nhảy vọt lên mốc 1,5%, tăng 0,7% so với phiên trước.

Dù dự báo VN-Index vẫn tương đối tích cực, nhưng nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect cho rằng nhà đầu tư cũng cần lưu ý thị trường đã đến vùng định giá hợp lý.

Theo đó, cần chờ kết quả kinh doanh cải thiện trong các quý tới để định giá thị trường thêm hấp dẫn.

Ngoài ra, rủi ro tỉ giá cần được theo dõi cẩn thận khi tỉ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 1,6% kể từ đầu năm, và hiện đang tiến gần mức cao nhất mọi thời đại là 24.867 đồng.

"Đã đến lúc nhà đầu tư cần thận trọng trong khi việc thực hiện các giao dịch mua mới hoặc sử dụng đòn bẩy cao", VNDirect khuyến nghị.

Xử lý vướng mắc, thị trường hướng tới nâng hạng

Ngày 12-3, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư "Việt Nam - Điểm đến đầu tư". Trước đó, một hội nghị xúc tiến đầu tư khác đã được tổ chức tại Hàn Quốc.

Tại hội nghị hôm nay, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề cập đến câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Ông Hồ Đức Phớc khẳng định đây là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới.

Mục tiêu này đã được đưa vào đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Tại kỳ đánh giá vào tháng 9-2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết cùng Ủy ban Chứng khoán triển khai nhiều hoạt động nhằm hợp tác sâu sắc và toàn diện với các đối tác nước ngoài, trao đổi thông tin với các bên liên quan nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tháo gỡ những vướng mắc khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Dòng tiền vào chứng khoán cao nhất 2 năm, mỗi phiên giao dịch 30.000 tỉ đồngDòng tiền vào chứng khoán cao nhất 2 năm, mỗi phiên giao dịch 30.000 tỉ đồng

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch nhiều biến động với thanh khoản gia tăng đột biến. Bình quân mỗi phiên trong tuần qua ở mức 30.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên