05/03/2024 11:45 GMT+7

Nguyễn Thùy Linh đi nước ngoài thi đấu không có HLV, vì sao?

Nguyễn Thùy Linh đã thi đấu xuất sắc và giành được vị trí á quân ở Giải cầu lông Đức mở rộng 2024, nhưng người hâm mộ không khỏi thắc mắc về HLV của cô.

Nguyễn Thùy Linh cùng vị

Nguyễn Thùy Linh cùng vị "HLV đặc biệt" Lauren Lam tại Giải Đức mở rộng vừa qua - Ảnh chụp màn hình

Lý do đến từ việc ở tứ kết và bán kết lần lượt gặp Ratchanok Intanon và Kim Ga Eun, người đứng ra "chỉ đạo" Thùy Linh là… vận động viên người Mỹ Lauren Lam. Còn đến chung kết, tay vợt Việt Nam lại bơ vơ một mình.

Không kịp làm thủ tục cho chuyên gia

Trước Giải Đức mở rộng, từ đầu năm 2024 Nguyễn Thùy Linh đã dự hai giải là Ấn Độ Open và Indonesia Masters. Cả hai giải này cô đều sớm dừng bước ngay ở vòng 1 dù có HLV đi kèm.

Đến Giải Đức mở rộng, người xuất hiện trên ghế huấn luyện lại là Lauren Lam, vận động viên chỉ mới 21 tuổi. Chính Lauren Lam là người nhận thất bại trước Thùy Linh tại vòng 16, rồi ở lại giải để hỗ trợ tay vợt Việt Nam.

Điều này khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện vào năm 2023 ở Giải Phần Lan mở rộng. Khi đó, Thùy Linh cũng đi thi đấu không có HLV, người giúp đỡ cô là ông Pakkawat Vilailak (HLV của tuyển Thái Lan).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 5-3 về vấn đề này, ông Lê Thanh Hà - phó phòng thể thao thành tích cao 2 (Cục Thể dục thể thao), trưởng bộ môn cầu lông kiêm tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam - khẳng định không có chuyện VĐV Nguyễn Thùy Linh bị bỏ rơi và không có HLV.

Ông Lê Thanh Hà nói: "Thời gian qua, liên đoàn đã mời chuyên gia người Indonesia - Hariawan Hong sang làm việc. Ông từng là HLV của Thùy Linh và một số VĐV Việt Nam vào năm 2022. Tuy nhiên đến ngày 1-3 vừa qua, ông Hariawan mới có thể sang Việt Nam. Do đó chúng tôi không kịp làm thủ tục cho ông đi châu Âu để chỉ đạo Thùy Linh".

Ông Hà cũng tiết lộ thêm rằng sau hai giải ở Ấn Độ và Indonesia, Thùy Linh có chia sẻ cô cảm thấy HLV chưa phù hợp. Do đó theo nguyện vọng của Linh, liên đoàn chấp thuận để cô lên đường đi châu Âu mà không có người hỗ trợ chuyên môn. 

Trong thời gian tới, ông Hariawan Hong sẽ trực tiếp làm việc, hướng dẫn Thùy Linh tại các giải quốc tế lớn, với mục tiêu hướng đến Olympic Paris 2024.

Thùy Linh đang được đầu tư trọng điểm để hướng đến Olympic Paris 2024 - Ảnh: BADMINTON PHOTO

Thùy Linh đang được đầu tư trọng điểm để hướng đến Olympic Paris 2024 - Ảnh: BADMINTON PHOTO

Đầu tư trọng điểm cho Nguyễn Thùy Linh 

Đến thời điểm này, Nguyễn Thùy Linh gần như đã chắc suất dự Olympic Paris 2024. Dù vậy từ nay đến khi vòng loại kết thúc vào cuối tháng 4, cô vẫn tham dự ít nhất 4 giải đấu nữa với mục tiêu được rơi vào nhóm hạt giống.

Để đạt mục tiêu này, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam sẽ tập trung đầu tư mạnh cho cô gái quê Phú Thọ. "Thông thường kinh phí Cục Thể dục thể thao đưa về cho cầu lông là khoảng 60.000 - 70.000 USD/năm, tùy tình hình. Năm nay vì có Olympic nên con số này được nâng lên 85.000 USD. Do đó về kinh phí, chúng tôi không gặp khó khăn. Mọi đầu tư trọng điểm sẽ được tập trung cho Thùy Linh để giúp cô đạt kết quả tốt nhất", ông Thanh Hà cho biết.

Trước mắt trong tuần này, "hot girl" cầu lông Việt Nam sẽ dự Giải Pháp mở rộng. Qua tuần tới, cô về nước để tiếp tục dự Vietnam International Challenge tại Hà Nội.

Bên cạnh Thùy Linh, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cũng sẽ để ý tới những vận động viên có cơ hội dự Olympic như Lê Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng. Mới đây, Lê Đức Phát sống lại hy vọng giành vé đến Paris nhờ chức vô địch tại Uganda International Challenge.

Vì sao Thùy Linh đã chắc vé đi Olympic?

Để giành vé tham dự Olympic Paris 2024 ở nội dung đơn nam và đơn nữ, vận động viên phải nằm trong nhóm xếp hạng từ 1 đến 34 của bảng xếp hạng vòng loại Olympic (không phải bảng xếp hạng thế giới).

Trong đó, từ vị trí số 1 đến 16, mỗi quốc gia sẽ được phép có tối đa 2 vận động viên tham dự. Còn từ hạng 17 đến 34 sẽ chỉ có tối đa 1 người.

Hiện tại, Thùy Linh đang đứng hạng 22 trên bảng xếp hạng vòng loại Olympic của đơn nữ. Tuy nhiên trong nhóm từ 1 đến 16 hiện tại, có một số quốc gia có trên 2 vận động viên góp mặt. Điển hình là Trung Quốc khi họ đang có 4 người.

Do đó, thứ hạng thực tế của Thùy Linh đang là 16. Đây là vị trí quá an toàn và tấm vé dự Olympic khó trượt khỏi tay cô. Vấn đề là bây giờ làm sao để Thùy Linh lọt vào được top 12 nhằm xếp loại hạt giống tại vòng bảng, qua đó dễ có vé đi sâu tại Olympic Paris. Đó là lý do vì sao Thùy Linh vẫn đang miệt mài du đấu.

Trường hợp của vận động viên Lê Đức Phát thì khó khăn hơn khi anh đang đứng hạng 73. Tuy nhiên trong nhóm từ 1 đến 34 đơn nam cũng có rất nhiều quốc gia có số lượng vận động viên vượt quá chỉ tiêu mà Liên đoàn Cầu lông thế giới cho phép. Do đó, cơ hội dành cho anh vẫn còn.

Nguyễn Thùy Linh dừng bước sau hành trình ấn tượng tại China MastersNguyễn Thùy Linh dừng bước sau hành trình ấn tượng tại China Masters

Chiều 24-11, Nguyễn Thùy Linh đã thất bại trước tay vợt Hàn Quốc Kim Ga Eun (21-19, 21-10) tại tứ kết Giải cầu lông China Masters 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên