29/02/2024 16:21 GMT+7

Từ Đào, phở và piano, khán giả xem lại Hà Nội mùa đông năm 46

Giữa cơn sốt Đào, phở và piano, một số khán giả thế hệ mới "rủ" nhau xem lại Hà Nội mùa đông năm 46 - bộ phim chiến tranh hào hùng, cảm động của đạo diễn Đặng Nhật Minh vì hai phim tái hiện cùng một giai đoạn lịch sử.

Nhân vật Bác Hồ (do diễn viên Tiến Hợi đóng) và chàng họa sĩ (Quốc Tuấn) trong phim Hà Nội mùa đông năm 46 - Ảnh: Chụp màn hình

Nhân vật Bác Hồ (do diễn viên Tiến Hợi đóng) và chàng họa sĩ (Quốc Tuấn) trong phim Hà Nội mùa đông năm 46 - Ảnh: Chụp màn hình

Trên các diễn đàn, các khán giả trẻ - hoặc ít nhất là trẻ hơn những người có ký ức với chiến tranh - đang truyền tai nhau về bộ phim Hà Nội mùa đông năm 46 (phát sóng lần đầu năm 1997). 

Họ cho rằng để hiểu hơn về bối cảnh lịch sử và những chi tiết được khắc họa trong Đào, phở và piano thì rất nên xem trước Hà Nội mùa đông năm 46.

Hà Nội mùa đông năm 46 là phim chiến tranh cách mạng kể về cuối năm 1946, những ngày cuối cùng trước khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến, mở đầu ba thập niên chiến đấu anh hùng của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.

Hà Nội mùa đông năm 46 với các diễn viên Tiến Hợi (trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh), Ngô Quang Hải, Võ Hoài Nam, Hoa Thúy, Quốc Tuấn, Quách Thu Phương, Mai Thu Huyền... đã góp phần tái hiện rõ nét một giai đoạn lịch sử ngắn nhưng đầy bi tráng và xúc động, với bàn tay chỉ đạo tài hoa của đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn xuất nhập vai của dàn nghệ sĩ, cũng như ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng. 

Bộ phim vẫn được chiếu rộng rãi trên mạng cho người dân trong thời gian qua.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Trong lời dẫn truyện đầu phim, Hà Nội mùa đông năm 46 bám sát vào một giai đoạn lịch sử. 

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Theo phân công của các nước Đồng minh, quân đội Anh vào miền Nam Việt Nam để giải giáp vũ khí quân Nhật; còn ở phía Bắc, công việc này được giao cho quân đội Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm. 

Cùng là một phe với Đồng minh, Pháp theo chân quân đội Anh trở lại Đông Dương với âm mưu lấy lại thuộc địa cũ. Sau khi đặt chân vào Nam Bộ, Pháp đòi đưa quân ra miền Bắc để thay thế quân Tưởng sắp rút về nước. 

Một hiệp định sơ bộ được ký ngày 6-3-1946, thỏa thuận để Pháp đưa quân ra miền Bắc với điều kiện: Nước Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do.

Diễn viên Tiến Hợi trong vai Bác Hồ - Ảnh: Chụp màn hình

Diễn viên Tiến Hợi trong vai Bác Hồ - Ảnh: Chụp màn hình

Tháng 6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp theo lời mời chính thức của Chính phủ Pháp. 

Đồng thời, tại Fontainebleau đã diễn ra một cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Việt Nam và Pháp nhưng không đi đến kết quả vì nước Pháp vẫn không chịu công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. 

Nhằm cứu vãn tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một hiệp ước với bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, cố gắng để chiến tranh không xảy ra, tránh đổ máu cho cả hai dân tộc.

Nhưng: "Trong khi đó tại Việt Nam, các tướng lĩnh chỉ huy quân đội Pháp quyết tâm đẩy nhanh các cuộc xung đột vũ trang hòng dùng vũ lực để lập lại trật tự cũ. 

Những cuộc khiêu khích của lính Pháp diễn ra hằng ngày trên đường phố Hà Nội". 

Đây cũng là bối cảnh của câu chuyện trong Đào, phở và piano và dẫn đến cuộc đấu tranh "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của người dân thủ đô và người dân Việt Nam.

Một số khán giả trẻ sau khi xem đã nhận xét Hà Nội mùa đông năm 46 dù có điều kiện làm phim còn hạn chế với nhiều bối cảnh và góc máy hẹp, đạo cụ chiến tranh còn thiếu thốn nhưng đã khắc họa rất tinh tế bức chân dung vừa gần gũi vừa uy nghiêm của Bác Hồ và những người dân - quân Việt Nam cũng như một số người Pháp lương thiện và yêu chuộng hòa bình.

Ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng về một thời hào hoa, hào hùng

Mở đầu bằng một cuộc xả súng khiêu khích của Pháp trước đền Ngọc Sơn, phim giới thiệu hai chàng trí thức - dân quân tự vệ Lâm và Toản, trong đó Lâm (Ngô Quang Hải) - người nghe và nói thạo tiếng Pháp - được Bác Hồ (diễn viên Tiến Hợi đóng) mời đến Bắc Bộ phủ nhận công tác mới là đặc phái viên làm công tác giao thiệp với các phái đoàn đại diện Chính phủ Pháp.

Ngô Quang Hải, Võ Hoài Nam trong phim - Ảnh: Chụp màn hình

Ngô Quang Hải, Võ Hoài Nam trong phim - Ảnh: Chụp màn hình

Cũng như Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn, trong Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa vào nhiều hình ảnh khắc họa lối sống, nét văn hóa của người dân Hà Nội mà rộng hơn là người dân Việt Nam trong bối cảnh loạn lạc.

Ông đồ ngồi viết câu đối bên đường. Chàng trai Toản (Võ Hoài Nam) giữa những giờ phút căng thẳng vẫn ghé quán cà phê nơi phố cổ để thưởng thức tiếng đàn dương cầm của cô tiểu thư Hương (Hoa Thúy).

Họ chép cho nhau bài hát Nhớ chiến khu, rồi sau đó cùng nhau ngồi đàn hát trên căn gác. Tàu điện leng keng bên bờ hồ. Cậu bé bán báo chạy dọc theo các toa rao "Báo mới đây".

Khi một cô gái hỏi "Tình hình yên rồi phải không anh?", chàng họa sĩ (Quốc Tuấn) trả lời bông đùa và lãng mạn: "Anh không biết, anh chỉ biết hôm nay Hà Nội đẹp quá và cả em cũng vậy". Em bé Hà Nội mặc áo hoa đỏ, đứng bên vệ đường nép mình tội nghiệp giữa lúc xe tăng Pháp rẽ vào phố xả súng.

Bác Hồ nhắn nhủ khi biết Lâm sắp có con đầu lòng: "Bác mong cháu bé sinh ra không phải nhắc đến súng, bác cháu mình cố gắng để chiến tranh không xảy ra"... 

Và ca phẫu thuật đỡ đẻ của bác sĩ người Pháp cho người vợ của Lâm diễn ra đầy nguy cấp trong đêm, giữa lúc tiếng súng nổ lên báo hiệu chiến tranh đã bắt đầu. Đứa con sinh năm 1946 được đặt tên là "Hà Nội", giữa lúc Lâm phải từ biệt vợ con để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Hà Nội nhìn xa giữa khói lửa chiến tranh, đoàn người ra đi hẹn ngày trở lại - Ảnh: Chụp màn hình

Hà Nội nhìn xa giữa khói lửa chiến tranh, đoàn người ra đi hẹn ngày trở lại - Ảnh: Chụp màn hình

Trong khoảnh khắc cuối của phim, Bác Hồ và những người đi lên chiến khu đứng nhìn về phía Hà Nội đang đỏ lửa chiến tranh. 

Lời bình phim vang lên: "Cuộc chiến đấu của những người con quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh giữa lòng Hà Nội kéo dài 63 ngày đêm. Và những người ra đi ngày ấy 9 năm sau đã trở về như lời hẹn ước. 

Kể từ ngày đó, nhân dân Việt Nam, hết thế hệ này đến thế hệ khác, đã chiến đấu suốt 30 năm trời để giữ vững nền độc lập dân tộc và thống nhất đất nước".

Đặng Nhật Minh và Phi Tiến Sơn trò chuyện

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và đạo diễn Phi Tiến Sơn sẽ cùng trò chuyện về hai bộ phim - Ảnh: Cà phê Thứ Bảy

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và đạo diễn Phi Tiến Sơn sẽ cùng trò chuyện về hai bộ phim - Ảnh: Cà phê Thứ Bảy

Nhân cơn sốt Đào, phở và piano cùng sự lan tỏa, cộng hưởng của Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn Đặng Nhật Minh và đạo diễn Phi Tiến Sơn sẽ có cuộc trò chuyện, đối thoại vào sáng 3-3 tại Cà phê Thứ Bảy Hà Nội.

Chủ đề cuộc trò chuyện là "Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano", do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì.

"Bình minh đỏ" - phim về nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn hot trở lại sau "Đào, phở và piano"'Bình minh đỏ' - phim về nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn hot trở lại sau 'Đào, phở và piano'

Từ sức hút của Đào, phở và piano, khán giả hy vọng bộ phim khắc họa về nữ chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn - 'Bình minh đỏ' sẽ được phát hành rộng rãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên