26/02/2024 17:23 GMT+7

TS Đỗ Nguyên Tín - 'bàn tay vàng' trong giới can thiệp tim bẩm sinh

Thông tim bào thai là giấc mơ ấp ủ nhiều năm qua của TS.BS Đỗ Nguyên Tín cùng đồng nghiệp. Trước khi hai ca thông tim bào thai diễn ra và thành công, ông và đồng nghiệp đã có đường đi rõ ràng, chắc chắn tỉ lệ thành công 80-90%.

TS Đỗ Nguyên Tín - trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

TS Đỗ Nguyên Tín - trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Suy nghĩ về ca mổ rất nhiều, tỉ lệ thành công 80-90% mới làm

Được đồng nghiệp quý là “bàn tay vàng” trong giới can thiệp tim bẩm sinh, và mới đây ông cùng ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Từ Dũ đã thông tim bào thai thành công, TS Đỗ Nguyên Tín - trưởng đơn vị can thiệp tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1, giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM - nhấn mạnh: "Sự thành công của hai ca thông tim không phải ngẫu nhiên, mà phải chuẩn bị đường đi nước bước rất kỹ lưỡng và sau cùng là sự phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo chính xác tuyệt đối lúc ca mổ diễn ra".

Thông van tim bào thai là giấc mơ ấp ủ suốt nhiều năm qua của TS Tín cùng đồng nghiệp, khi ông chứng kiến các chuyên gia quốc tế đã luồn cây kim nhỏ xíu xuyên tử cung đi vào bào thai để đưa ống thông vào thông tim. 

TS Tín quyết tâm học hỏi kỹ thuật rất khó này. Cho đến khi tự tin, ông được đồng nghiệp nước bạn đưa cầm cây kim thật làm.

Cho đến ngày 4 và 12-1 vừa qua, TS Tín cùng ê kíp lần đầu thông tim hai bào thai thành công, ghi lại dấu son ngành y tế khi đây là ca thông tin đầu tiên tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Án nói chung.

TS Đỗ Nguyên Tín cho biết vào ngày 29-2 sắp tới, ê kíp hai bệnh viện sẽ tiếp tục thông van tim bào thai ca thứ 3. Với mức độ khó tương tự hai ca thông van tim bào thai vừa qua, ê kíp nhiều lần hội chẩn, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.

“Khi các ca mổ chưa diễn ra nhưng tôi đã định hình sẵn, có đường đi rõ ràng trong đầu từ mấy tuần trước. Đến lúc ngủ tôi cũng thấy chúng.

Trước khi thực hiện những ca khó, phức tạp, tôi đều suy nghĩ rất nhiều, và khi chắc chắn có giải pháp, tỉ lệ thành công 80-90% thì mới làm. Nhất định sẽ không mổ khi còn mơ hồ. Sinh mạng bệnh nhân không thể mơ hồ được”, TS Tín bộc bạch.

TS Đỗ Nguyên Tín cùng đồng nghiệp trong một ca can thiệp tim cho bệnh nhi - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

TS Đỗ Nguyên Tín cùng đồng nghiệp trong một ca can thiệp tim cho bệnh nhi - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Chỉ nhớ ca thất bại, tử vong trên bàn mổ

TS Tín nhớ lại trước đây cách hơn 20 năm, trẻ mắc dị tật tim bẩm sinh tử vong rất nhiều vì chỉ điều trị bằng thuốc sau khi sinh ra, không được can thiệp kịp thời.

Lúc bấy giờ chỉ có Viện Tim TP.HCM triển khai mổ tim, nhưng lượng bệnh nhân rất đông nên nhiều người không được can thiệp kịp thời, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Chỉ trong năm 2001, TS Tín đã ký giấy báo tử khoảng 200 bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

“Tôi cảm thấy bất lực, không làm gì được, chỉ cho thuốc bệnh nhân uống tạm. Tôi nghĩ phải làm gì khác đi. Thời điểm này, thấy Viện Tim TP.HCM mổ tim nhiều và tốt nên tôi muốn đi học mổ tim. Qua Thái Lan, một người bạn cùng chuyên ngành nói mổ tim cần ê kíp, nếu một người không làm được. Nghe vậy, tôi cũng nản và quay về Việt Nam.

Lúc này, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã có cơ sở vật chất, máy móc nên Bệnh viện Nhi đồng 1 ký kết hợp tác. Tôi vừa học vừa làm.

Các bệnh nhi mắc dị tật tim bẩm sinh của bệnh viện sẽ được ê kíp chúng tôi đưa sang bệnh viện có máy móc khác để can thiệp. Sau khi trẻ được can thiệp tim hoàn tất sẽ đưa về Bệnh viện Nhi đồng 1. Đến năm 2009, bệnh viện chúng tôi mới có máy móc và tự thực hiện mổ tim bệnh nhi tại bệnh viện”, TS Tín nhớ lại.

Trực tiếp can thiệp tim thành công cho rất nhiều bệnh nhi, với nhiều ca khó nhưng trong ký ức của TS Tín chỉ nhớ đến những ca mà bản thân ông bị thất bại, ca tử vong trên bàn mổ.

“Không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả được nỗi đau của người nhà, mà chỉ biết dùng từ xin lỗi cho những sai lầm của mình. Dù hiểu năng lực con người có hạn, năng lực của một con người càng giới hạn trong biển lớn mênh mông.

Trong ngành y khoa đầy rẫy cạm bẫy chết người, mà không cho phép bất kể sai sót nào dù rất nhỏ. Nhưng chính mình lại rơi vào tình cảnh đó.

Gần 20 năm trong nghề can thiệp, đầu đã bạc gần hết mà vẫn còn vấp váp những sai lầm như một đứa trẻ ê a đánh vần abc”, TS Tín đọc lại dòng tự sự được ông viết khi bé 7 tuổi tử vong ngay trên bàn mổ do ê kíp thực hiện vào năm 2021.

Với TS Tín, nghề y là chữa bệnh. Những chuyện bản thân làm được không có gì lý tưởng lớn lao, mà đơn thuần chỉ làm theo điều mình yêu thích, đam mê. Và khi được làm nghề yêu thích, dấn thân, cống hiến hết mình thì nhiều bệnh nhân được hưởng lợi.

Theo chuyên gia tim mạch Dương Hồng Phước (Bệnh viện Nhi đồng Alder Hey - Vương quốc Anh), lĩnh vực can thiệp tim mạch bào thai khó nhất, tỉ lệ rủi ro cao, đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề rất giỏi. Hiện lĩnh vực này chỉ có số ít quốc gia phát triển thực hiện.

Khi đọc được thông tin về ca thông tim bào thai đầu tiên tại Việt Nam do ê kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện, chuyên gia tim mạch Dương Hồng Phước rất hãnh diện: "Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới".

Bào thai được thông tim thành công là thành tựu y tế nổi bật của Việt NamBào thai được thông tim thành công là thành tựu y tế nổi bật của Việt Nam

Bộ Y tế ngày 9-1 nhận định ca thông tim trong bào thai do ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thực hiện là thành tựu y tế nổi bật của nước ta.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên