26/02/2024 08:57 GMT+7

Nữ bác sĩ ngoại đam mê 'chữa lành' khiếm khuyết

Với bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ không chỉ là làm đẹp, đây còn là cách để 'chữa lành' khiếm khuyết cho người bệnh.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Ảnh: BVCC

TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Ảnh: BVCC

Nhắc đến phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, nhiều người nghĩ rằng đó là nâng mũi, cắt mí, nâng ngực... - những thủ thuật làm đẹp. 

Nhưng khi đây được xem là cách để "chữa lành" khiếm khuyết cho người bệnh thì phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mang đến điều kỳ diệu cho người bệnh ra sao?

Làm sao để "chữa lành" khiếm khuyết cho nhiều người

Trải qua gần 20 năm học tập và làm việc tại Đại học Y Hà Nội, năm 2020 TS.BS Phạm Thị Việt Dung xin về Bệnh viện Bạch Mai, thành lập khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai. Đồng thời, khoa cũng là cơ sở đào tạo chính của bộ môn phẫu thuật tạo hình, Trường đại học Y Hà Nội.

Những ngày đầu thành lập, nhiều người đặt câu hỏi cho bác sĩ Dung về quyết định lựa chọn một bệnh viện chuyên về nội khoa để phát triển chuyên ngành phẫu thuật tạo hình.

"Lúc ấy, nhiều người không hiểu vì nghĩ rằng đặt khoa tạo hình ở một bệnh viện nội khoa sẽ ít việc. Thậm chí, nhiều bác sĩ trong chính bệnh viện cũng không biết rằng khoa phẫu thuật tạo hình sẽ làm gì. Vì mọi người vẫn nghĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ chỉ là làm đẹp cho người bình thường.

Tuy nhiên, thực tế rất nhiều bệnh nhân nội khoa cần phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, có bệnh nhân nằm lâu bị loét hoặc có trường hợp bị rắn cắn hoại tử hết cả bên chân cũng cần phải có phẫu thuật tạo hình. Phẫu thuật tạo hình còn là khôi phục hình thể, tạo hình chức năng do dị tật bẩm sinh, do bẩm lý hoặc lão hóa, tạo hình sau điều trị bệnh.

Bởi vậy, bệnh nhân cần phẫu thuật tạo hình ở Bạch Mai rất lớn. Để mọi người hiểu hơn về khoa, ban đầu tôi cũng phải đi giới thiệu từng nơi, đi từng khoa qua các buổi giao ban để giới thiệu về phẫu thuật tạo hình. Nói rõ với các đồng nghiệp trong phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là một phần rất nhỏ.

Thậm chí có bác sĩ, lãnh đạo khoa hồi đó còn "ồ à" khi không nghĩ rằng khoa phẫu thuật tạo hình có thể làm được nhiều như vậy. Phải mất một năm để truyền thông "nội bộ" và hiện giờ mọi thứ đã trơn tru", bác sĩ Dung kể lại.

Trước kia, những bệnh nhân bị biến chứng đái tháo đường gây viêm loét, phù tay voi sau điều trị ung thư vú hay không may mắc dị tật âm đạo tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ phải chuyển qua bệnh viện khác để điều trị. Giờ đây, những bệnh nhân ấy đã không cần phải di chuyển mà có thể được điều trị ngay tại khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Hạnh phúc của mỗi bệnh nhân tạo động lực cho bác sĩ

Một trong những ca phẫu thuật mà bác sĩ Dung nhớ mãi đó là bệnh nhân mất toàn bộ da đầu do gặp tai nạn phụ chồng khoan giếng. Lúc ấy, mái tóc dài của người vợ bất ngờ bị cuốn vào máy khiến toàn bộ da trán và da đầu của chị bị lột khỏi hộp sọ.

Bác sĩ Dung kể lại lúc ấy nhìn mảng da đầu bầy nhầy, long tróc, chia hai mảnh nhiều chỗ rách nát, băm vằm ra từng mảnh nhỏ, anh em bác sĩ rất lo lắng. Thêm vào đó việc mảnh ghép đã đứt rời 12 tiếng, quá mất thời gian vàng 6 tiếng sau khi mảnh da đầu bị đứt rời thì cơ hội sống của mảnh ghép hầu như còn rất ít...

Thế nhưng, với sự nỗ lực các y bác sĩ đã điều trị thành công, diện tích da đầu của bệnh nhân đã hồi phục và mọc tóc. "Tết vừa rồi, bệnh nhân chụp ảnh gửi cho tôi khoe. Nhìn những hình ảnh tươi vui của chị sau khi hồi phục, bản thân mình cũng vui theo", bác sĩ Dung cười nói.

Hay câu chuyện của cô gái mắc dị tật không âm đạo từng được bác sĩ Dung phẫu thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng thành công. Sau khi phẫu thuật, cô gái đã lấy chồng, có thể quan hệ tình dục bình thường.

"Hai vợ chồng nhờ người mang thai hộ và có một gia đình trọn vẹn. Từ niềm hạnh phúc của mỗi bệnh nhân như động lực cho tôi cố gắng hơn mỗi ngày", bác sĩ Dung chia sẻ.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

TS.BS Phạm Thị Việt Dung thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Bước ngoặt đến với chuyên môn sâu

Biến cố đến với chị vào thời điểm sắp ra trường, khi đó bố không may bị tai nạn, bao nhiêu tiền của gia đình dành cả vào việc điều trị cho bố. Lúc ấy, cô sinh viên năm cuối phải vừa học vừa làm đủ nghề để trang trải. Và cơ duyên đến với ngành phẫu thuật tạo hình của chị cũng bắt đầu từ đó.

"Khi đi chăm bố ở Bệnh viện Việt Đức, tôi đi lang thang trong bệnh viện, gặp được các bác sĩ nội trú phẫu thuật tạo hình, tôi mới biết đến chuyên ngành phẫu thuật tạo hình. Thời đó phẫu thuật tạo hình chưa được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên. Cuối cùng, nhờ sự tình cờ ấy, tôi đã dốc hết sức thi nội trú và theo ngành phẫu thuật tạo hình.

Thực ra, từ hồi nhỏ tôi đã thích làm bác sĩ phẫu thuật. Tôi cũng sớm có nhiều hình mẫu lý tưởng là các bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng thời đó cũng như các nhân vật là bác sĩ khoa ngoại rất giỏi trên phim ảnh. Trong quá trình học y, thấy tôi thích những việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo nên bạn bè thường đùa bảo "mày rất hợp ngoại khoa" - bác sĩ Dung cười nói.

Nhiều người nói phụ nữ ít làm ngoại khoa vì áp lực công việc, máu me... thế nhưng lần đầu tiên mổ xác tôi thấy rất thích và không hề thấy sợ. Lúc ấy, tôi không nghĩ mình làm chuyên ngành gì để kiếm được nhiều tiền, để đỡ vất vả, mà chỉ nghĩ rằng mình thích nó. Có lẽ, cũng bởi xuất phát từ sở thích nên đến giờ tôi vẫn đam mê theo đuổi với nghề", bác sĩ Dung nói.

Bác sĩ Dung kỳ vọng trong 3-5 năm tới sẽ phát triển khoa thành trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tương lai sẽ phát triển thành các chuyên khoa tạo hình khác nhau như tạo hình ung thư; tạo hình nhi; tạo hình dị tật bẩm sinh... để các bệnh nhân được điều trị tốt nhất.

Vừa làm chuyên môn, vừa đào tạo

Nhắc đến nữ bác sĩ ngoại khoa chuyên về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại miền Bắc, có lẽ ít ai không biết đến TS.BS Phạm Thị Việt Dung, nữ trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình đầu tiên của Trường đại học Y Hà Nội, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Bạch Mai.

Sau gần 20 năm công tác, bác sĩ Dung đã "chữa lành" vết thương cho hàng trăm người bệnh, trực tiếp phẫu thuật tạo hình cho những bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, di chứng bỏng, sau điều trị ung thư, di chứng do chấn thương...

Không chỉ là một nữ bác sĩ ngoại khoa luôn hết lòng vì người bệnh, bác sĩ Dung còn đảm nhiệm công tác đào tạo chuyên môn, giảng dạy, truyền lửa cho những thế hệ học trò.

Bác sĩ Dung còn là một nhà khoa học đam mê nghiên cứu của ngành, chị đã là tác giả của hơn 30 công trình nghiên cứu và bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước. Bác sĩ Dung cũng tham gia báo cáo các công trình nghiên cứu tại nhiều nước như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao.

Gia đình từng "ngăn cản" theo ngành y

Nhớ lại những ngày đầu khi quyết định theo đuổi ngành y, bác sĩ Dung nói ngày ấy gia đình ngăn cản, thậm chí ngày nhập học bố đã đưa chị đến thẳng Đại học Quốc gia, dù biết con gái rất muốn theo học Đại học Y Hà Nội.

"Thời điểm năm 1998 tôi có hai cơ hội theo học Trường đại học Y Hà Nội và ngành công nghệ sinh học tại Đại học Quốc gia. Bố tôi nhìn thấy tiềm năng ở ngành công nghệ, sẽ có một công việc nhàn nhã, học xong 4 năm sớm có thể học lên thạc sĩ, tiến sĩ và nhiều cơ hội ra nước ngoài. Còn mẹ tôi thì nhìn thấy sau 4 năm ra trường lấy chồng cuộc sống an nhàn, nếu học y sẽ mất 10 năm bà sợ con gái ế.

Bố đưa tôi tới Đại học Quốc gia nhập học chuyên ngành công nghệ sinh học, không quên vận động hành lang các thầy cô khuyên tôi "ngoan ngoãn" từ bỏ ý định học y khoa. Thế nhưng, sau khi học được 2 tuần ở Đại học Quốc gia, tôi luôn buồn bã vì ước mơ trở thành bác sĩ đang tuột dần khỏi tầm tay nên quyết tâm gọi điện cho bố mẹ thông báo chuyển sang Đại học Y. Lúc ấy, bố mẹ không ngăn cản được nữa", bác sĩ Dung cười nói.

Mặc dù quyết tâm là vậy, thế nhưng khi bắt đầu học y, bác sĩ Dung cũng không khỏi sốc vì kiến thức "nặng" và lịch học căng của trường y. Phải sau một năm, cô sinh viên ngành y mới có thể quen với nhịp học tập.

100 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi đêm Giao thừa hồi sinh cô gái 21 tuổi100 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi đêm Giao thừa hồi sinh cô gái 21 tuổi

Một tuần sau ca ghép phổi toàn bộ tại Bệnh viện Phổi trung ương đúng đêm 30 Tết, cô gái 21 tuổi quê Bắc Kạn đã có những tiến triển tốt và đang được chăm sóc hậu phẫu, hy vọng sống đã tràn trề với cô và gia đình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên