25/02/2024 13:20 GMT+7

Xe ôm tự phát phóng ào ào lên chùa Ông Núi

Những bác tài xe ôm tự phát chở khách chạy từ chân núi lên chùa Ông Núi (thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, giáp ranh với TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và ngược lại nhưng không đội mũ bảo hiểm.

Một xe ôm chở du khách lên khu vực tượng Phật tại chùa Ông Núi không đội mũ bảo hiểm, chạy tốc độ cao rất nguy hiểm - Ảnh: LÂM THIÊN

Một xe ôm chở du khách lên khu vực tượng Phật tại chùa Ông Núi không đội mũ bảo hiểm, chạy tốc độ cao rất nguy hiểm - Ảnh: LÂM THIÊN

Gần đây nhiều bạn đọc phản ánh với Tuổi Trẻ Online việc nhiều người chạy xe ôm chở khách trên dốc bê tông từ chân lên đỉnh núi, nơi có chùa Ông Núi nổi tiếng, được du khách khắp nơi về viếng thăm, nhất là trong dịp Tết. 

Theo phản ánh của bạn đọc, các bác tài xe ôm chở khách không đội mũ bảo hiểm, chạy nhanh, khiến họ bất an.

Xe ôm chở khách chạy ầm ầm, không mũ bảo hiểm

Đi thực tế, chúng tôi nhận thấy khi du khách đến chùa Ông Núi tham quan, theo quy định phải đi bộ trên đường từ chân núi lên đỉnh núi - nơi có tượng Phật ngồi lớn nhất Đông Nam Á. Đoạn đường này dài 500m, dốc và quanh co. Nhiều người không đủ sức đi bộ thì thuê xe ôm chở lên. 

Một du khách ngồi sau xe ôm trong tư thế rất chênh vênh, đầu không đội mũ bảo hiểm 

Một du khách ngồi sau xe ôm trong tư thế rất chênh vênh, đầu không đội mũ bảo hiểm

Bên ngoài chùa, người chạy xe ôm đa số là người dân sống gần chùa Ông Núi. Các tài xế xe ôm này chở khách bằng con đường bên hông đi vào chùa (gọi là chùa Tổ) với giá đi lên 40.000 đồng/người, đi xuống 30.000 đồng/người. 

Khi đến khu vực chùa Tổ (cách tượng Phật khoảng 200m), họ thả khách đi bộ lên khu vực tượng Phật để tham quan.

Còn khi du khách đi vào bên trong chùa, có một đội xe ôm tự quản với quân số khoảng vài chục người đưa đón. Nơi "đóng quân" của đội là sát cổng ra vào chùa. Tại đây, trên một cây xanh có đóng bảng giá niêm yết: chạy lên 50.000 đồng/người, chạy xuống 30.000 đồng/người.

Khi thấy du khách vào chùa và bắt đầu leo dốc, các thành viên của đội liền chạy xe đến chào mời.

Điều đáng nói là tất cả thành viên đội xe ôm tự quản bên trong và cũng như đội ngũ chạy xe ôm ngoài chùa khi chở khách lên và xuống tham quan chùa đều không đội mũ bảo hiểm.

Xe ôm chở 3 không đội mũ bảo hiểm đang leo dốc 

Xe ôm chở 3 không đội mũ bảo hiểm đang leo dốc

"Đường lên núi thì dốc và quanh co nhưng lái xe lẫn du khách lại vô tư không đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi đi xe ôm, lo lắng về độ an toàn, nên có hỏi mũ bảo hiểm thì các bác tài xe ôm trấn an rằng đi có đoạn ngắn, họ chạy quen, an toàn, không phải lo", anh Lê Quốc Huy (du khách từ TP.HCM) nói.

Ghi nhận tại lưng chừng con dốc mà các xe ôm chở khách lên xuống tham quan, Tuổi Trẻ Online nhận thấy khi lên dốc, các tài xế đều cố gắng vặn ga rất mạnh vì dốc cao. Tuy nhiên một số người chở khách lại lái xe một tay. 

Trong khi đó, du khách ngồi sau đầu trần, chỉ biết ôm chặt lấy người lái. Ở chiều ngược lại, các xe chạy xuống, đa số các xe đều lao dốc rất nhanh và không ai đội mũ bảo hiểm.

Đây là xe ôm tự phát, sẽ xử lý ngay

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Trực - chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến - cho biết ông đã nhận được thông tin về những người chạy xe ôm bên ngoài và bên trong chùa Ông Núi trong thời gian qua.

Các xe ôm chạy xe đón khách ngay bên trong cổng chùa rất lộn xộn 

Các xe ôm chạy xe đón khách ngay bên trong cổng chùa rất lộn xộn

"Đây là những người chạy xe ôm tự phát. Họ chạy xe rất lộn xộn, bất chấp. Tôi sẽ làm việc với chùa Ông Núi để dẹp ngay đội xe ôm tự quản này, và khuyến cáo những người dân sống xung quanh chùa không được chở du khách bất chấp như vậy", ông Trực cho hay.

Ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cũng cho hay việc xe ôm chở du khách lên xuống núi để tham quan như vậy là quá nguy hiểm.

"Tôi sẽ chỉ đạo địa phương chấn chỉnh, xử lý tình trạng này ngay. Phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho du khách, chứ không thể để lộn xộn như vậy được", ông Giang khẳng định.

Chùa Ông Núi, cảnh đẹp Bình ĐịnhChùa Ông Núi, cảnh đẹp Bình Định

Trên đường từ thành phố Quy Nhơn ra Khu kinh tế Nhơn Hội, khi đi ngang qua dãy núi Bà ở huyện Phù Cát, du khách sẽ thấy ở lưng núi thấp thoáng mái chùa đỏ thắm giữa màu xanh biếc của cây rừng. Đó là chùa Ông Núi, còn gọi là Linh Phong thiền tự - một trong những ngôi chùa lâu năm nhất của Bình Định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên