Chủ nhật, 28/4/2024
Thứ tư, 21/2/2024, 20:15 (GMT+7)

Hàng vạn người tới lễ khai hội xuân Tam Chúc

Hà NamLễ khai mạc hội xuân Tam Chúc diễn ra với chủ đề Kết nối di sản, gồm các nghi thức thỉnh chuông trống, dâng hương và rước nước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc.

Sáng 21/2 (tức 12 tháng Giêng), tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam), chùa Tam Chúc tổ chức lễ khai mạc Hội xuân. Ngay từ sáng sớm, trời nắng nhẹ, hàng nghìn người dân có mặt ở khu vực sân khấu đặt trước nhà Thuỷ Đình để theo dõi các tiết mục biểu diễn.

Dự lễ khai hội có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Tam Chúc (Hà Nam), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy, đại diện lãnh đạo các bộ, sở, ngành liên quan cùng tăng ni, phật tử và nhân dân, du khách.

Dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, lễ khai mạc hội xuân Tam Chúc - Kết nối di sản diễn ra với các nghi thức tâm linh như dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mang lại đời sống an bình cho đồng bào, nhân loại.

Đọc diễn văn khai mạc, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể lại phát hiện khảo cổ cổ học cách đây gần một năm. Khi đó, đoàn chuyên gia tìm thấy di cốt người Việt cổ có niên đại khoảng 10.000 năm trong hang Đội 4, cách trung tâm chùa khoảng 10 km.

Ngoài ra, một số di vật cũng được tìm thấy dưới lòng hồ Tam Chúc như: cột gỗ lim, chân tảng đá hình hoa sen trước đây và các câu chuyện dân gian còn được lưu truyền tại địa phương. "Từ đó cho thấy, cách đây hơn 1.000 năm, vào thời nhà Đinh, nơi đây không chỉ là vùng đất Phật, còn là một trong số những nơi ghi dấu phát tích của người Việt cổ", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.

Nhắc lại quá khứ, trụ trì chùa Tam Chúc nói, trải qua thời gian, chùa bị hư hỏng và không còn nữa nên người dân địa phương không duy trì được các hoạt động lễ hội vào dịp đầu xuân. Theo vị hòa thượng, việc xây dựng lại chùa cũng như khôi phục lễ khai hội xuân chùa Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm là niềm mong mỏi của nhân dân, tín đồ Phật tử địa phương, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá về hình ảnh các giá trị văn hóa của quê hương.

Sau phần khai hội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng lãnh đạo tỉnh Hà Nam, chư đức tăng ni thực hiện nghi thức thỉnh chuông, trống và lễ dâng hương cầu cho quốc thái dân an. Ngay sau đó, đoàn thực hiện lễ rước nước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc.

Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đánh giá cao những đóng góp của chùa Tam Chúc cho phật giáo cũng như sự phát triển du lịch của tỉnh. Số lượt khách du lịch đến với tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 20-25%. Tổng lượt khách du lịch năm 2023 ước đạt 4,4 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

"Với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, khu du lịch Tam Chúc đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo bước đột phá cho ngành du lịch Hà Nam, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển du lịch của tỉnh", ông Huy phân tích.

Sau phần lễ, phật tử và du khách được tham gia một số trò chơi dân gian, nhằm tôn vinh và tiếp nối nét đẹp truyền thống.

Cũng tại lễ khai hội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao cup Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) lần đầu vinh danh tỉnh Hà Nam là một trong những điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023.

Hoà cùng dòng người đi lễ đầu năm, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (Hà Nội) chia sẻ cùng năm người trong gia đình tới Khu du lịch Tam Chúc từ hôm qua để theo dõi tiết mục bắn pháo hoa. Hôm nay, nhà chị ở lại buổi sáng để cùng Chư tôn đức tăng ni khai hội.

"Hôm nay có thể là cuối tuần nên không quá đông người, thời tiết mát mẻ cùng với không gian thoáng mát khiến chuyến du xuân kết hợp lễ chùa của gia đình tôi rất thanh tịnh, ưng ý", chị Tuyền nói.

Chùa Tam Chúc nằm ở vị trí có cảnh quan hùng vĩ với "Tiền Lục nhạc, hậu Thất tinh", tức ba mặt được bao bọc bởi dãy núi thất tinh thế tay ngai vững chãi. Phía trước mặt hồ có sáu quả núi nhô lên tựa sáu quả chuông của nhà Phật. Chùa Tam Chúc được xây dựng trên trục thần đạo, với các công trình kiến trúc chính như: tháp Ngọc, điện Tam Thế, điện Giáo Chủ, điện Quán Âm, nhà thờ Tổ, nhà Tứ Ân, cổng Tam Quan nội và Trung tâm Hội nghị Quốc tế…

Thanh Thư - Gia Chính - Giang Huy

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net