Cẩm nang
Cẩm nang
Cẩm nang du lịch

Lào Cai

Lào Cai nằm ở vùng giáp ranh giữa Tây Bắc và Đông Bắc của Việt Nam, có đường biên giới hơn 180 km với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Lào Cai giáp các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái.

Lào Cai gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và 7 huyện gồm Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Simacai, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Những nơi này đều có các điểm du lịch nổi tiếng.

Đi lại

Lào Cai cách Hà Nội khoảng 300 km. Di chuyển từ Hà Nội bằng đường bộ thuận tiện và nhanh, thông qua cao tốc Hà Nội - Lào Cai (CT05). Thời gian di chuyển từ 3,5 đến 4 tiếng.

Tàu hỏa từ Hà Nội tới Lào Cai (SP4) chạy hàng ngày, khởi hành 22h, đến nơi lúc 6h. Giá vé từ 280.000 đồng một lượt. Du khách sau đó đi tiếp bằng ôtô dịch vụ từ ga Lào Cai đến các điểm tại Sa Pa và ngược lại (bán kính 2 km từ Nhà thờ đá) với giá 55.000 đồng một lượt.

Du khách từ các tỉnh thành khác có thể bay hoặc đi tàu hỏa, xe khách tới Hà Nội, sau đó di chuyển tiếp tới Lào Cai. Các địa phương lân cận đi theo QL70, QL12, QL4D, QL4E, ĐT155...

Một phần của tuyến cao tốc nối Nội Bài - Lào Cai lên Sa Pa. Ảnh: Chinhphu.vn

Tham quan

Thành phố Lào Cai

Thành phố Lào Cai được biết đến với nhiều di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh, du lịch tâm linh như quần thể di tích đền Thượng, đền Cấm, đền Quan, đền Đôi Cô, chùa Cam Lộ. Lào Cai còn có cửa khẩu quốc tế để sang thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc). Du khách có thể sang biên giới chơi trong một đến vài ngày. Cầu Cốc Lếu, chợ Cốc Lếu cũng là những điểm đến nổi tiếng ghi dấu ấn của thành phố.

Sa Pa

Thị xã Sa Pa nằm ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Lào Cai gần 40 km. Sa Pa có khí hậu mát mẻ nên phù hợp với những chuyến du lịch hè. Mùa xuân, Sa Pa rực rỡ trong sắc hoa đào, hoa mận và các lễ hội. Mùa thu, Sa Pa là màu vàng của những thửa ruộng bậc thang. Mùa đông, từ tháng 12 đến tháng 2, nếu may mắn du khách có thể săn băng tuyết. Sa Pa có nhiều khu nghỉ dưỡng, món ăn đặc trưng và giàu văn hóa bản địa.

Các điểm đến nổi tiếng ở Sa Pa: nhà thờ đá, thung lũng Mường Hoa, bản Tả Van, bản Tả Phìn, bản Cát Cát, thác Bạc, núi Hàm Rồng, đỉnh Fansipan, đèo Ô Quy Hồ...

>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Sa Pa

Đỉnh Fansipan

Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, cách thị xã Sa Pa khoảng 9 km. Theo số liệu mới nhất của Cục đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam tháng 6/2019, đỉnh núi cao 3.147,3 m, được coi là cao nhất khu vực Đông Dương.

Chinh phục đỉnh Fansipan có hai cách: leo bộ và cáp treo. Cung đường trekking lên đỉnh bắt đầu hình thành những năm 1990, chủ yếu dành cho các nhà thám hiểm, nghiên cứu và người ưa mạo hiểm có sức khỏe. Thời gian lên đỉnh nếu nhanh có thể chỉ trong một ngày, khởi hành từ Trạm Tôn.

Cáp treo Fansipan khánh thành năm 2016, giúp việc lên đỉnh Fansipan dễ dàng hơn. Giá vé cáp treo khứ hồi 800.000 và 850.000 đồng (người lớn, tùy ngày trong tuần) và 550.000 đồng (trẻ em). Thời gian hoạt động từ 7h30 đến 18h. Trên đỉnh Fansipan có đủ dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Đỉnh Fansipan, Lào Cai. Ảnh: Tô Bá Hiếu

Đèo Ô Quy Hồ

Ô Quy Hồ là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam (cùng Mã Pì Lèng, Pha Đin và Khau Phạ), nằm ở địa phận giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đèo cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, có tên địa phương là Cổng Trời. Với độ dài hơn 50 km, độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, đây là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở, và cũng đẹp nhất Việt Nam. Du khách tới Lào Cai có thể lên đèo hướng từ thị xã Sa Pa. Ô Quy Hồ nằm cách trung tâm Sa Pa khoảng 18 km, trên cung đường có điểm ngắm cảnh và chụp ảnh cho du khách.

Bát Xát

Huyện Bát Xát nằm ở phía Tây Bắc của Lào Cai, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km. Bát Xát là một trong những địa danh có nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Lào Cai.

Ngã ba Lũng Pô

Lũng Pô là tên một dòng suối thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc biên giới 92, chính là "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt". Tại ngã ba sông, màu nước xanh của suối Lũng Pô cùng màu đỏ của sông Hồng hòa vào nhau.

Cột cờ Lũng Pô là địa điểm check in nổi tiếng trong vùng, công trình có chiều cao 31,43 m tượng trưng cho đỉnh Fansipan (cao 3.143 m). Trên đỉnh là lá cờ có diện tích 25 m2 tượng trưng cho 25 dân tộc ở Lào Cai. Đường dẫn lên đỉnh cột cờ có 125 bậc hình xoắn ốc.

Để đến được Lũng Pô, du khách phải qua nhiều đèo và núi quanh co nên cần cẩn thận khi di chuyển.

Y Tý

Y Tý là xã biên giới thuộc huyện Bát Xát, ở độ cao trên 2.000 m so với mặt nước biển. Đây là một trong những điểm săn mây đẹp nhất Việt Nam, từ tháng 10 đến tháng 3 và từ tháng 9 đến tháng mười là mùa lúa chín vàng đẹp nhất.

Y Tý cách thành phố Lào Cai khoảng 90 km, theo tuyến Bát Xát - Trình Tường - Lũng Pô - A Mú Sung - A Lù - Ngải Thầu. Du khách cũng có thể đến Y Tý từ Sa Pa qua tuyến Bản khoang - Tả Giàng Phìn - Bản Xèo - Mường Hum - Sàng Ma Sáo, khoảng cách 70 km. Cả hai đoạn đường này đều khó đi, đường xấu, nhiều ổ gà và sình lầy nếu mưa. Các hoạt động tiêu biểu tại Y Tý: Chợ phiên Mường Hum họp duy nhất vào sáng chủ nhật. Đi dạo và ngắm lúa ở bản Choản Thèn cũng là một lựa chọn lý tưởng.

Một góc ở bản Choản Thèn, Y Tý.

Ngải Thầu

Bản Ngải Thầu gồm những rặng đồi từ cao đến thoai thoải dần, nằm sát nhau, thuộc địa phận xã Na Hối. Dọc đường lên Ngải Thầu, phong cảnh là những thung lũng ngô, lúa và hoa dại. Mùa xuân, hoa đào, hoa sơn tra (táo mèo) nở rực rỡ, mùa thu là những ruộng lúa vàng óng. Du khách có thể lái ôtô đến Ngải Thầu, dừng cách đỉnh khoảng 2 km rồi leo bộ hoặc đi xe máy lên thẳng đỉnh. Đỉnh đồi trải dài, không gian rộng, tầm nhìn thoáng. Ngắm hoàng hôn, đón bình minh trên đỉnh Ngải Thầu là một trong những trải nghiệm không nên bỏ qua.

Bắc Hà

Huyện Bắc Hà nằm ở phía đông bắc tỉnh Lào Cai, ở độ cao khoảng 1.000 đến 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa. Bắc Hà có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các địa điểm du lịch, trong đó phải kể đến lễ hội San sán (xuống đồng) của người H'mông và người Tày, dinh Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, di chỉ thành cổ Trung Đô, các làng nghề thổ cẩm, nấu rượu ngô đặc sản của đồng bào Mông. Các chợ dân tộc như chợ trâu Lũng Phìn, chợ Bắc Hà, chợ Cốc Ly, chợ Bản Liền cũng là các điểm đến nổi tiếng.

Dinh thự Hoàng A Tưởng

Dinh thự được xây dựng từ năm 1919 đến 1921. Người dân địa phương vẫn quen gọi nơi này là "nhà vua Mèo". Ngôi nhà thuộc một người dân tộc Tày là Hoàng Yến Chao (sau đời con lên thay tên là Hoàng A Tưởng). Căn nhà do người Pháp thiết kế, theo kiến trúc lâu đài cổ ở châu Âu, hiện được giữ lại tương đối nguyên vẹn. Nhà Vua Mèo hiện vẫn còn giữ được những kỷ vật như một bộ trường kỷ (bàn ghế cổ) và một gương Tàu (gương soi treo tường của Trung Quốc), ngoài ra còn có ba cây hoa mộc, tuổi thọ bằng chính ngôi nhà.

Chợ phiên Bắc Hà

Chợ Bắc Hà nằm cách thành phố Lào Cai 65 km, nổi tiếng vì còn giữ được vẻ nguyên sơ và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Việt Nam. Chợ họp mỗi tuần một phiên vào chủ nhật, là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ các dân tộc địa phương. Khi xuống núi, người dân thường mặc những bộ váy áo mới đủ màu sặc sỡ để đến chợ, xem đây như ngày hội. Chợ Bắc Hà được chia ra những khu nhỏ mang tính đặc trưng trao đổi như: thổ cẩm, ẩm thực, chợ ngựa, chợ gia cầm, chợ thực phẩm. Mỗi khu chợ đều phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc dân tộc địa phương.

Simacai

Simacai là huyện nằm giáp biên giới, được bao trùm bởi nhiều dãy núi đá tai mèo. Simacai cách Bắc Hà khoảng 30 km, đường rộng và thuận tiện di chuyển. Simacai nổi tiếng với những cánh rừng và các thung lũng đầy gió và mây. Tới đây, du khách có thể ghé thăm cánh đồng hoa tam giác mạch xã Lử Thẩn, rừng đá xám Sán Chải, ruộng bậc thang xã Sín Chéng, ngắm hoa lê tại xã Quan Hồ Thẩn vào tháng 3 hàng năm. Chợ phiên Cán Cấu (thứ 7 hàng tuần), chợ phiên Sín Chéng (thứ 4 hàng tuần) là những điểm đến giúp du khách tìm hiểu sâu về văn hóa bản địa. Những khu chợ này cũng mở cả các ngày lễ Tết.

Các đỉnh núi

Biển mây trên đỉnh Lảo Thẩn. Ảnh: Vàng A Hồ

Du khách mê trekking thường gọi Lào Cai là xứ sở của những đỉnh núi. Ngoài Fansipan cao nhất Việt Nam, Lào Cai còn có gần 10 đỉnh núi khác, thu hút dân phượt mỗi mùa trekking, từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 hằng năm. Có thể kể đến đỉnh Lảo Thẩn, được coi là nóc nhà Y Tý, với độ cao 2.860 m. Đây là cung leo núi "vừa sức", tỷ lệ săn mây thành công khá cao như đỉnh Nhìu Cồ San, Ngũ Chỉ Sơn, Bạch Mộc Lương Tử, núi Cô Tiên, núi Voi, núi Pu Luông.

Lưu trú

TP Lào Cai có mạng lưới khách sạn lớn, từ bình dân tới cao cấp, giá phòng đôi mỗi đêm dao động từ 200.000-300.000 đồng đến hơn một triệu đồng. Các khách sạn lớn gồm có Mường Thanh, Sojo Hotel, Đức Huy, Lào Cai Diamond, Cao Minh, Song Hong View, Liberty Lào Cai.

Y Tý chỉ có các homestay, chưa có khách sạn kiên cố. Tuy nhiên, những homestay này gần đây đã được đầu tư nên chất lượng tốt, khép kín, sạch sẽ, có không gian và tầm nhìn đẹp. Một số homestay phổ biến: Y Tý Clouds, Y Tý Đại Ngàn, Xá Hà Nhì Y Tý, Cô Si Y Tý, Thảo Nguyên Xanh. Giá phòng đôi khoảng 500.000 đồng một đêm, phòng cộng đồng từ 50.000 đồng một người.

Cũng như Y Tý, các điểm lưu trú ở Bắc Hà chủ yếu cũng là homestay, nhà sàn hay các khách sạn nhỏ như Bac Ha Lodge Retreat, La Beaute Bac Ha, Lagom Bắc Hà Farmstay, giá dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng một phòng đôi một đêm.

Ẩm thực

Phở hồng Bắc Hà

Phở hồng được làm từ gạo lứt nương hồng, một loại đặc sản chỉ có ở vùng Bắc Hà. Người dân phải ngâm gạo từ 5 đến 10 tiếng tùy mùa, sau đó xay nhuyễn, lọc thành nước, tráng rồi thái thành sợi. Mọi khâu thực hiện đều thủ công. Phở hồng mềm, mịn, không hàn the nên chỉ dùng trong ngày. Món ăn phổ biến nhất sử dụng sợi phở hồng là phở chua (trộn). Một bát thường có bánh phở, thịt lợn xá xíu, rau sống, rau cải mèo muối thái nhỏ, lạc giã nhỏ, một ít nước chua kèm các loại gia vị đặc biệt từ đậu tương, hạt dổi, thảo quả, gừng, ớt xào, tương ớt.

Rượu ngô Bản Phố

Rượu ngô Bản Phố là một thức uống thường được nhắc gắn liền với Lào Cai, đặc biệt là Bắc Hà. Người dân thường nhắc khách đến chơi: "Khi vào nhớ dốc Trung Đô, khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà". Rượu ngô là thức uống mang được cả phong vị của núi rừng "miền cao nguyên trắng" đến với du khách gần xa. Ngô làm rượu là ngô nếp, hạt màu vàng, năng suất không cao nhưng thơm và chắc. Ngô được thu hoạch phơi nắng rồi gác bếp để bảo quản và nấu rượu dần.

Những bình rượu ngô trong chợ Bắc Hà. Ảnh: Hương Chi

>> Xem thêm: Rượu ngô Bản Phố

Thắng cố

Món ăn nổi tiếng và đặc trưng của người H’Mông là thắng cố, có tuổi đời gần 200 năm. Thắng cố gốc được nấu từ thịt ngựa và sử dụng nhiều gia vị địa phương để chế biến. Hiện nay, món thắng cố đã được biến tấu với đa dạng nguyên liệu để phù hợp với khẩu vị của mọi người. Các chảo thắng cố bốc khói ở một góc chợ Bắc Hà là đặc điểm thu hút du khách đến với phiên chợ vùng cao này, đặc biệt trong những ngày đông. Một bát thắng cố có giá khoảng 30.000 đồng.

Chảo thắng cố trong chợ Bắc Hà. Ảnh: Hương Chi

Xôi ngũ sắc

Khi tới với Lào Cai và nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc, không nên bỏ qua món xôi ngũ sắc. Thứ xôi kỳ lạ không chỉ dẻo, thơm mà màu sắc cũng rất bắt mắt với năm màu chủ đạo xanh, đỏ, tím, vàng, trắng - màu của các loại lá rừng, đặc sản chỉ vùng cao mới có.

Tương ớt Mường Khương

Tương ớt Mường Khương.

Đặc sản tương ớt do đồng bào dân tộc vùng cao tại huyện Mường Khương tạo nên từ những quả ớt tươi được trồng trong vùng, loại quả nhỏ, thường được gọi là ớt thóc. Ban đầu, đây là món được người dân làm với mục đích phục vụ ăn uống trong gia đình nhưng sau khi du lịch phát triển, tương ớt Mường Khương đã trở thành đặc sản được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết tới bởi vị cay và thơm.

Tâm Anh

Cập nhật 21/2/2024, 13:34 (GMT+7)