Trong cuộc trao đổi với nhà báo Pavel Zarubin của Đài truyền hình quốc gia Nga ngày 18/2, Tổng thống Putin cho hay, mục tiêu chính của ông trong việc đi sâu vào lịch sử đất nước tại cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này với nhà báo Mỹ Tucker Carlson là để khán giả phương Tây có cơ hội hiểu được suy nghĩ của Moscow về vấn đề Ukraine.

tong thong nga putin tass.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Ông Putin thừa nhận, việc hiểu hết những điều phức tạp trong lịch sử hơn 1.000 năm của Nga là “không dễ dàng” đối với khán giả phương Tây, đặc biệt với người Mỹ, khi đất nước của họ chỉ mới tồn tại được 300 năm.

Hãng thông tấn Tass dẫn lời lãnh đạo Điện Kremlin nhấn mạnh: "Đối với phương Tây, đây là việc cải thiện vị trí chiến thuật của họ, nhưng đối với chúng tôi, cuộc xung đột ở Ukraine là vấn đề sống còn, là số phận của chúng tôi. Tôi muốn những người sẽ nghe (cuộc phỏng vấn với Carlson) nhận ra điều đó. Tôi không thể đánh giá liệu cuộc phỏng vấn có đạt mục đích hay không”.

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 2 giờ với nhà báo Carlson, ông Putin nói rất dài về việc các nhà nước Nga và Ukraine đã hình thành như thế nào. Theo ông, mặc dù lãnh thổ Ukraine hiện đại chịu ảnh hưởng nặng nề của Ba Lan, nhưng nhiều người trong khu vực vẫn muốn sáp nhập vào Nga vì có mối quan hệ văn hóa và tôn giáo chặt chẽ.

Ông Putin cũng nhắc lại những lí do Moscow xúc tiến chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, cũng như mối quan hệ của Nga với Mỹ, NATO và phương Tây nói chung. Cuộc phỏng vấn phát sóng vào ngày 9/2 đã thu hút hàng chục triệu lượt người xem.

Hà Lan, Italia nêu quan điểm về việc Ukraine gia nhập NATO

Thủ tướng tạm quyền của Hà Lan Mark Rutte hôm 17/2 tuyên bố, việc kết nạp Ukraine vào tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga vẫn tiếp diễn, là “không khả thi”. Đây là câu trả lời của nhà lãnh đạo này khi được hỏi liệu các thủ tướng của các nước châu Âu có ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của liên minh ở Washington, Mỹ vào tháng 7 hay không.

nato ukraine.jpg

Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cũng có quan điểm tương tự. Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 17/2, ông Tajani tái khẳng định, NATO “đang nỗ lực để Ukraine gia nhập liên minh”, nhưng cần hành động thận trọng thay vì đưa ra những quyết định hấp tấp nhằm “mở đường cho việc đạt được mục tiêu này”.

Ông Tajani tin, việc NATO kết nạp Ukraine giữa lúc xung đột với Nga là “điều nguy hiểm cho tất cả mọi người” và có thể dẫn tới bùng nổ thế chiến thứ 3.

Kiev chưa lên tiếng phản hồi trước các phát biểu trên.